Linh tinh

Đôi khi thấy mình quá bướng bỉnh - lì lợm - ngang tàng - nhưng lại hơi ngơ ngác. Cứ ngỡ mình mạnh mẽ lắm...

25/11/10

Cà phê, tiểu luận, virus computer

Cà phê, tiểu luận, virus computer

1. Cà phê lãng tử
Mới thứ sáu. Ta quen thói lãng tử giang hồ. Đợi chi đến cuối tuần mới kiếm được li cà phê buổi sáng? Bảnh mắt, ta đã phóc đến góc đường quen thuộc, ngó nghiêng thiên hạ, ngó nghiêng xe cộ lao qua lao lại giữa phố. Li cà phê long tong chảy. Hình như nhanh hơn mọi bận. 30′ cho một buổi sáng, đáng là bao. Trời vẫn thênh thênh nắng gió, đời vẫn lênh đênh một kiếp làm người…

Đen mặn mòi nhỉ? Cà phê ơi. Có ta trong đôi mắt nâu của phố núi mờ xa lặng lẽ. Có ta trong những tháng ngày hút bóng mù khơi. Có ta không trong đáy li tan chảy? Cà phê và sữa, quyện thành một màu nâu nâu. Giữa đắng cay, ta có ngọt bùi; giữa gió mưa, ta có những mùa nắng đẹp vàng tươi thơm ngát. Bỗng thấy, 30′ của mình có ý nghĩa đến vô chừng. Một li nâu, một đôi mắt nâu, một thành phố cũng màu nâu nâu…

2. Tiểu luận
Cực nhất, điên rồ nhất, vớ vẩn nhất. Nhoắng nhá, gõ chát chát nhá. Cũng xong, điều kiện ấy mà. Có cái gì là toàn vẹn đâu nhỉ? Chữ nghĩa này, câu cú này, cũng thế mà thôi. Đọc rồi quên. Đọc rồi vứt xó. Hậu hiện đại này, lẵng nhẵng lằng nhằng này. Bản thể của ta cũng chính là một kiểu của hậu hiện đại đấy thôi. Trong li cà phê của ta có cái tiểu luận đang chờ đợi. Trong cái tiểu luận của ta có li cà phê mời gọi ở bên ngoài nắng gió. Giữa một góc phố.
Tiểu luận ư? Nằm yên đấy. Chữ nghĩa của ta ở đâu? nằm yên đấy. Chổng vó lên đi. Ta phải nhâm nhi li đen nâu ấy đã. Ta phải nuốt cạn để khơi nguồn sáng tạo cho cái tiểu luận. Buồn cười. Ngố đanh. Chiều mong manh. Trưa cũng mong manh. Nắng cũng mong manh. Tiểu luận và điểm chác cũng mong manh. Có cái gì là hợp nhất vẹn toàn. Ờ, tiền; cơm áo. Cái thằng Soapy ấy chả phải có một tham vọng tưởng chừng hết sức buồn cười, mà cũng đau đáu biết bao đó chăng: Tham vọng tránh rét, tham vọng được ngày hai bữa cơm. Đời mới lạ đến thế là cùng. Ta cũng chỉ mơ có thế mà thôi. Rét được mặc ấm, đói được ăn no. Này, tên cớm, sao bản thánh ca đã đánh thức một tâm hồn lương thiện, ngươi lại biến ta thành kẻ tội đồ với cái mong ước buồn cười: Được đi tù…
Cái tiểu luận của ta đấy. Đi tù mới có cơm áo. Đi tù mới được no ấm. Ôi chao đắng nghét nhỉ? Như li cà phê ta cố tình để trống, không cho đường vào làm ngọt. Tiểu luận ơi…

20/11/10

Cái Computer

Cái Computer

Mày là cái computer. nhớ đấy. Mày có thể giúp ích được khá nhiều việc. Thậm chí cả thế giới loài người này, thiếu mày, sẽ cứng ngắc, đứng yên hết. Mày khá đấy. Tao đang gõ trên những phím nhựa. Chữ nghĩa hiện lên trên màn hình trắng toát. Thêm thắt vào mấy cái hình. Tao có một văn bản đẹp mắt, ưa nhìn. Mày không nói được. Nhưng, mày biết cách chia sẻ một cách dễ thương nhất. Đó là im lặng, và để cho tao gõ lộp bộp hàng ngày. Yêu nhất đấy.

Mày là computer. Nhớ đấy. Vẫn là computer. Chóc. Google, các com.net.org. hiện ra. Tao cần biết thằng người này, thằng người kia, ở đất này, đất nọ đang diễn ra những thứ gì. Chóc, chóc… facebook, gmail, yahoo… Tao cần biết bạn bè mình: Sài Gòn, Hà Nội, Buôn Ma Thuột… đang như thế nào? Yêu lắm nhé. Nhất mày đấy. Một ngày 24 tiếng đồng hồ, cho mày trọn vẹn những khoảnh khắc rảnh rỗi. Kể cả khi busy, tao vẫn tranh thủ cố nhốt cặp mắt vào cái màn hình của mày. Nhất thế còn gì…

Mày vẫn là computer. Thế giới này hỗn độn. Mày lặng im ngắm nhìn. Không một lời, không một tiếng hát ca.
Thế giới này chộn rộn, xon xen. Mày vỗ tay cổ vũ. Mày tạo điều kiện, cơ hội cho tất cả những thằng biết mày là ai? Tiền? Có ngay. Đầu cơ? có ngay. Lưu thông hàng hoá? có ngay. Tiện thế. Chỉ cần tách. Chóc. Order/ anh chị cần gì? Mày ok. Giỏi. Tào Tháo sống dậy cũng chắp tay vái mày. Gia Cát Lượng phải cúi nhìn, chẳng dám ngóc lên. Thật đấy.

Mày. Computer. Gọn gàng. Thông minh.
Tao. Con người. Xương thịt, lộn nhộn. Tao, tạo ra mày. Tao… Phải thông minh hơn mày chứ nhỉ? Nhưng, khi cần… Alo, google hở? Cho hỏi: Tao là ai trong cái computer của mày? Bảo đảm 100% Gu với gờ cũng bó tay. cơm.

Mày. Là computer. Mày hỏng hóc. Tao móc hết mọi ngóc ngách, ốc vít ra ngó nghiêng sửa. Ok. Mày chạy ngon lành.
Tao. Con người. Hỏng hóc. Nhờ đến các anh Doctor. Cũng có khả năng chạy lại được như mày. Nhưng. Thời gian được tính giữa mày và tao khác nhau đấy. Mày vẫn là computer….

Tao. Mệt mỏi. Quẫn bách. Mày cứu được không? Thế giới không thể nhường chỗ cho mày mãi được. Người vẫn là người ấy nhỉ?

Computer và người?
Im lặng cho cả hai…(Trả lời làm quái gì? Đến Google còn quay đầu cắp đít bỏ đi…)

18/11/10

Những người lái đò

Những người lái đò

1. Thầy hướng dẫn

Thầy…
Xin được gọi dẫu một từ thôi, lặng lẽ…
Tôi nhìn thấy bóng nắng đổ hay đêm khuya níu mái tóc mờ pha sương của từng tháng năm đong đầy bụi phấn trắng.
Tôi nhìn thấy những điều thầy không kể, tựa vầng trăng soi sáng trong bấy nhiêu kí ức xưa của tuổi thơ bé bỏng.
Tôi nhìn thấy, thật nhiều… để được kính trọng, gọi một tiếng “Thầy”…

Thầy chưa lên lớp dạy chúng tôi một buổi nào. Chỉ là người được khoa mời để hướng dẫn luận văn cho hai chị em tôi. Cảm giác băn khoăn, đắn đo, lo lắng của tôi và Hiền bị xua tan bay, khi gặp thầy. Gần gũi, nhẹ nhàng, và luôn nhiệt thành. Thầy đón nhận thêm hai cô học viên của khoá mới cũng như bao các học viên khác rất niềm nở.

Chẳng phải kể lể điều gì đó. Thật khó quên, hình ảnh này, khi thấy thầy loay hoay gửi tiền xe cho hai chị em, khiến tôi và Hiền thật sự bất ngờ đến luống cuống. Chẳng nói nên lời. Nhưng, tôi biết đâu đó trong cuộc đời này vẫn còn có những người thầy như thế…

Đà Nẵng, hoa tươi thắm khắp mấy góc đường. Chuyến đi này, thêm một kí ức khó quên về thầy…

2. Cô – giống mẹ hiền

Thích viết mấy dòng vui vui. Thích loăng quăng với những cảm xúc không thể nói thành lời. Đến nhà thầy, câu đầu tiên tôi và Hiền luôn muốn hỏi đó là: “Thầy ơi, cô đâu rồi ạ!”

(Thêm một lẵng hoa nữa cho cô nha)

Chẳng phải để xã giao, chào hỏi. Ừ, thì thế. Lạ không…
Cô đằm thắm, dịu dàng lắm. Cũng nhẹ nhàng, ân cần như mẹ. Con gái xa nhà, đôi lúc nhớ mẹ đến ùa ào bật khóc. Mà, cô cũng thế, như thầy…
Cái Hiền bảo: “Chị ơi, chẳng hiểu sao đến nhà thầy, lúc nào em cũng muốn mang tới một bó hoa cho cô…”
Tôi cười: “Ừ, chị thích thế!”.

17/11/10

Vầng trăng thầy để quên

Vầng trăng thầy để quên

Thầy kể về vầng trăng trong ca dao thuở nào.
Thầy kể về cơn mưa trên đồng ruộng quê ta.
Vầng răng vàng lục bát, ai mang xẻ làm đôi
Cơn mưa từng câu hò, rộn ràng cánh cò bay.
Cũng có một vầng trăng
Nhưng sao thầy không kể,
Những đêm ngồi soạn bài
Ánh trăng vàng khuya khoắt.
Và vào những cơn mưa
Thầy ơi sao không kể
Mùa mưa thầy lặn lội
Sớm chiều với đàn em.
Bao nhiêu là bụi phấn sao không kể thầy ơi!

Tôi lắng nghe từ trong tiềm thức, những tháng năm xưa còn đâu đó chưa vội xoá nhoà. Kí ức vẹn nguyên. Tuổi học trò xanh như một giấc mơ. Yêu thương với lời ca tiếng hát. Có một vầng trăng xôn xao trong trí nhớ…

Bỗng thấy nhớ, bỗng thấy man mác những ngày còn đến lớp, bỗng thấy giọt mực tím long lanh nơi đáy mắt. Bỗng thấy bụi phấn hoài mãi rơi, lấm tấm như màu mây trên tóc…Người thầy năm xưa…

Tôi lại thênh thang hồ tưởng mình đang ngồi nơi góc bàn ấy, chỉ để đuổi theo những dư âm từ đôi lời của Thầy khi “kể về vầng trăng trong ca dao thuở nào” và cả khi “kể về cơn mưa trên đồng ruộng…” như câu lục bát hát ru tuổi thơ tôi bé bỏng.

Những tiết tấu nhịp nhàng, trầm bổng lúc thăng theo lời ca, lúc dịu dàng tựa hồ như mây khói. Tôi nhìn thấy một “vầng trăng” nặng lòng vời vợi xa bởi “ai mang xẻ làm đôi”, bởi trong “cơn mưa, từng câu hò” luôn “rộn ràng cánh cò bay”…

Và rồi, khúc nhạc bất chợt lắng lại trong âm hưởng ấy, chốt thành một phút ấm ức đến nghẹn ngào: “Cũng có một vầng trăng….”

Nhưng…”sao thầy không kể”. Phải không, tháng năm vất vả, khó nhọc, dưới ngọn đèn dầu, trong đêm về khuya khoắt có thêm một vầng trăng dõi theo trang giáo án…

15/11/10

Lênh đênh cơn mưa

Lênh đênh cơn mưa

Trút nước đi. Cơn mưa này. Trời cũng lênh đênh như con sông mùa đông ngoài kia ướt át. Tối đen. Thơ mộng – khái niệm xa vời, tít tắp. Quả đất khóc than. Mưa rối rít khóc than…

Ám ảnh, những cơn mưa tháng năm qua, dài đăng đẳng. Ta tưởng đã có thể thoát khỏi bầu trời, của đất này để lang thang trên thảo nguyên bát ngát. Mưa vẫn rơi. Ập oà gào thét. Át cả bản rock yêu thích của ta. Thật đáng ghét.

Như chúa sơn lâm nhớ rừng. Ta quên bẵng một thời mình đã yêu biển đến quắt quay, yêu những con nước có đám thuyền trôi lơ đễnh một thời ấu thơ xa lắc trong kí ức. Ta mơ về cao nguyên. Ta khát khao được chạy nhảy trên những triền đồi cao thăm thẳm, nhìn ngút mắt mới thấy đất dưới chân mình…

Cao nguyên xưa của ta, cây cối trập trùng. Cao nguyên nay biết có còn không màu xanh yêu thương bạt ngàn? Hay đã đổi thành những cơn mưa quất xuống biển khơi, đồng trũng? Đất liền đằm sâu mấy con nước lên mùa lũ về. Đằm sâu cả những mất mát, đau thương…
Nhân – quả muôn đời vẫn thế. Có biết đâu, một chốc lát ta thoả mãn chí tang bồng, hưởng thụ để phải trả giá cho những mùa mưa lũ trắng xoá? Có biết đâu, dục vọng của con người là vô kể.

13/11/10

Mưa, trống rỗng, và rock

Mưa, trống rỗng, và rock

1. Điệp khúc mưa
Ngày chủ nhật.
Mưa ướt đầm cả phố.
Mưa trắng xoá trên thinh không kia.
Mưa tưởng như chỉ có mình hắn tung tăng kiêu ngạo với tháng ngày này.
Mưa láo lếu ca hoài một điệp khúc nhàm chán.
Mưa như muôn đời đã thế, vẫn thế.

Huế chìm trong mưa. Quắt quay với mưa. Ấm ức như mưa. Khùng điên quanh mưa. Nước long lanh. Nước mân mê mái tóc đen ướt mèm. Nước nghịch ngợm trêu đùa mấy anh chàng lỡ đội đầu trần nhong nhong ngoài phố. Vội vã, núp níu, hay nhấn ga ào ào… cũng như mưa…
2. Trống rỗng
chiptranblog

Quả bóng

Quả bóng

Tròn vo, căng phồng. Quả bóng nằm trong ba lô. Quả bóng tung tẩy lăn lốc khắp nhà. Ngắm nhìn những vì sao trong đêm khuya lấp ló. Quả bóng cười to. Như mặt trời buổi sớm. Đầy nắng. Vàng khe khẽ…

Quả bóng bay lên, dội xuống. Quả bóng chạy quanh những góc sân ngày xưa, có đôi giày bata hừng hực khí thế. Sút. Dzô…bóng tròn to, bóng lăn. Và, bóng nằm im đợi chờ… Xưa…

Quả bóng đến quán cà phê, ngồi nghe ngẫm chuyện đời tầm phơ, tầm phất. Quả bóng rúc rích hé mắt qua ô cửa nhỏ. Mưa giăng đầy buổi trưa. Quả bóng, cái đầu Đôremon, hay Chaien ục ịch. Một thời, cũng trốn trong góc nhà cười khúc khích. Tuổi thơ bay qua những giấc mơ…

Quả bóng lung linh như đêm trăng rằm ngày hội. Có cậu bé hất tung bóng lên trời. Có cô bé, háo hức chạy theo đá vèo trái bóng.
Lăn xa, thật xa…

11/11/10

Luận bàn về cái gọi là tình yêu? (Đọc vui – biết chơi thôi)

Luận bàn về cái gọi là tình yêu? (Đọc vui – biết chơi thôi)

Quanh đi quẩn lại. Đời người có bao nhiêu chặng để đi, để dừng, để cả lắng nghe con tim mình thổn thức những nhịp đập rối teng beng? Rồi, chắc chắn họ sẽ mãi mãi để câu hỏi ấy như một lời ngỏ không có dấu chấm than vậy…

Hai mươi tám tuổi. Đám bạn tôi có đứa vẫn còn đơn thương độc mã. Có đứa vẫn còn nhong nhong nhảy nhót mấy điệu tango ngợi ca tuổi trẻ. Mà, tình yêu thì có bao giờ chết. Có bao giờ hết. Nói chi đến điểm dừng. Cốt yếu, là nó có còn mong manh như đoá hồng thuỷ tinh mơ mộng, lung linh thắm tươi, huyền ảo thời rong chơi xưa cũ ấy nữa hay chăng thôi?

Luận bàn, có vẻ hơi khiếm nhã. Bao thời, bao kiếp nhân trần này định nghĩa hoài, định nghĩa mãi cũng chẳng xong nổi một cái khái niệm. Thôi, đừng nhắc đến hai chữ “Luận bàn” thì hơn. Tình yêu, giới trẻ đang ở thời kì “thai nghén” của tuổi xuân thì hô hào:
- Em không thể, anh không thể biết đó là điều gì, là cảm giác gì, chỉ cần nhìn vào mắt nhau thấy những tia lửa lẹt xẹt hình quả tim như mũi tên thần của Cupid bắn cái vèo, ấy thế là yêu. Yêu không có lời đấy nhỉ?

Còn kẻ rong ruổi ngót nghét sáu mươi năm cuộc đời, cũng “thì thầm mùa xuân” mong tìm kiếm lại tuổi rong rêu thuở trước, cũng định nghĩa tình yêu này nọ. Nhưng, mà, thì,… là cái gì, là thứ gì, là những gì trong mắt họ? Đố thượng đế tìm ra câu trả lời. Chỉ biết vào cái tuổi gần đất xa trời, họ lại còn mày mò tìm kiếm những dục vọng thế nhân. Hoá ra, mãi mãi họ cũng chỉ là một đứa bé chưa rời khỏi vú mẹ được. Đó là tình yêu chăng?…

9/11/10

Căn nhà cũ kĩ

Căn nhà cũ kĩ

Cô nhớ là trước sân ngôi nhà ấy chẳng bao giờ có một nhúm cây nào mọc xen lẫn giữa những bức tường gạch còn đỏ lởm chởm chưa được tô trét, dù chỉ là vài đường vôi trắng xoá? Đi qua bao nhiêu lần rồi, ấn tượng kia không nhiều. Vậy mà, đôi lúc cô thảng thốt giật mình khi thấy nó cứ hiển hiện luẩn quẩn trong mớ óc hỗn độn.

Ngày tháng này dài quá. Mỗi một khoảnh khắc trôi đi, hoa cỏ thường không thể giữ mãi những búp, những nụ, những tươi non mơn mởn của buổi sớm tinh sương. Loài nào cũng vậy. Đáng sợ thay, khi đôi bàn tay khối óc tinh khôn tạo ra muôn muôn vạn vạn những điều sống động kì diệu cho thế giới này rồi cũng chỉ tồn tại trong một chữ mà người ta vẫn thường dùng để viết về lịch sử, địa lí, hay nhân văn gì đó: “loài”…

Lại chỉ là nó… Không kín cổng, cao tường. Không thềm rêu hoen mốc, chỉ độc một cánh cửa gỗ to đùng che hết khuôn mặt của cửa chính, cửa phụ, cửa sổ. Chẳng biết bên trong có gì? Nhiều ánh mắt tò mò rất hay lướt qua đó. Vô duyên. Ngốc nghếch. Thừa hơi và rảnh rỗi. Nhưng, nếu không vậy chắc gì đã có chữ “loài”… Đã là giống, là loài thì thỉnh thoảng vẫn hay có mấy thứ trường hợp tương tự đó xảy ra. Giống như những dây nơ ron của con người tồn tại chức năng là phải tái hiện và lặp lại một số điều nào đó trong cuộc sống…

Tư dợm chân đứng thản nhiên ngó trâng trâng từ xa căn nhà đó. Vẫn là cái cái cảm giác lạ hoắc từ miền kí ức quá cũ kĩ. Tư chỉ muốn quẳng hết nó ra khỏi đầu. Nhưng, căn nhà thì đứng yên. Còn trí óc Tư bay nhảy…

8/11/10

Lơ ngơ tơ nhện

Lơ ngơ tơ nhện

…… Nắng vàng rực quét đều lên cành cây ngọn cỏ. Mây cũng lơ thơ buông mành. Gió không gào thét như đêm về. Nhưng, thẳm xa. Lạnh buốt. Con sáo đen cứ lẩn thẩn chốc mỏ ríu rít lẻ bạn. Thế mà vẫn cứ thấy cu cậu toe toe huýt mãi như reo vui đón đợi. Hoá ra, ở trong chiếc lồng thép đó cu cậu vẫn cảm thấy rất hài lòng. Cũng có đôi khi sáo thèm bầu trời rộng để được sải cánh bay bổng, nên cu cậu lại tự khều cái then vù ra ngoài lượn vài cái thật oai phong. Ngắm nhìn cu sáo mãi, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có chút nắng và chút gió, thêm loáng thoáng chút đồng vọng của khúc tình mây nữa. Người dẫu thấy đôi tay lóng ngóng mỏi nhừ; những ngón chân quắp lại. Tim người buốt đập từng hồi, vẫn lơ ngơ giật thốt khi bất chợt có ai đó đập vào vai. Một ốc đảo lung linh ngời sắc lại hiển hiện trước cái lăng kính màu hồng. Người lại mộng mê, lại muốn nhấc gót đi tìm một nụ cười không có mưa đêm rả rích, không có nước mắt ùa lem nhem. Còn bao nhiêu năm nữa cho người sống trọn vẹn thể xác và linh hồn? Cớ sao cứ mãi vẩn vơ ám ảnh đau thương? Người cũng thật lạ. Bên đời đang náo nức nhộn nhịp tiếng hoan ca. Vậy mà người thì…ngẩn ngơ bóng nước chim trời…

6/11/10

Rock mưa

Rock mưa

Mưa.
Con phố. Ngõ nhỏ. Đường nhỏ liêu xiêu với mưa.
Người cũng bạt gió. Chênh vênh giữa mưa. Điệp khúc muôn thuở. Huế xưa – nay vẫn thế. Buồn thì ở lại. Nỗi nhớ bay xa. Niềm vui chợt đến. Và ập oà. Hát ca. Trầm luân. Mãi mãi…

Không vi vu nữa đâu nhé. Mưa thế. Mưa loăng quăng ướt mèm tóc gió. Lơ thơ. Đi hay chạy ào về khu xóm trọ. Những bức tường cũng ẩm ướt theo mưa.

Có kẻ gào lên giữa căn phòng bé xíu nọ: “Mưa, tau chán mi rồi…”.
Có kẻ lao xao, rúc rích tăng volume bản rock vừa mới tìm thấy được. Chốc lát thôi, một khoảng lặng trong mưa bị đánh vỡ như con tàu đắm ngoài biển khơi. Rock xua đi niệm khúc buồn tăm tối của đất trời…

Này, rock có phải đâu chỉ là những thanh âm gào thét? Ta thấy rock cứ thăng lên rồi lại giáng xuống như một nốt lặng của tiếng thở dài nơi tâm tưởng. Rock mưa, phải chăng đang hát ca cùng nỗi sầu nhân thế?

4/11/10

Có những thứ gọi là vu vơ

Có những thứ gọi là vu vơ

Đặt một dấu chấm hỏi. To đùng. Không trả lời. Không có câu trả lời, hay có mà không thể cất lên thành tiếng. Ồ, hình như ta vu vơ quá. Ta lơ ngơ quá.

Chắc là đang làm bộ, làm tịch đấy thôi. Giả vờ thì dễ. Thật lòng thì khó. Cái câu “thật thà là cha thằng dại”, triết lí ấy sống mãi. Ta thích sống giả vờ hơn. Dễ hơn. Thuận tiện hơn. Hài lòng vô vạn kẻ thích xu nịnh trốc bể.

Không bước chân trên mây cao, không gập ghềnh sóng bể, và không cả ấp ôm những viễn mộng tít tắp tận nơi nào xa lắc lơ. Nhưng, thực tại này, cuộc sống này đang tràn bờ. Nước, lửa, đất…cũng đang tràn bờ.

Nầy, lại đây mà xem. Trái tim ta ngây ngô lắm. Tâm hồn ta non nớt lắm. Ôi dào, ai chẳng bảo thế, cái điệp khúc muôn thuở: “Khi xưa ta bé…”

Nầy, đừng đến xem nữa. Ta lớn rồi. Ta không là con nít nứt mắt đòi măm sữa. Ta lớn rồi. Ta xách balo đi khắp núi đồi. Chân ta chạm đất. Mắt ta thấy những điều có thật. Cõi tạm của thế nhân này. Ai đó dự báo lúc ta bắt đầu nghấp nghé mấy con chữ tủn mủn khi xưa: “Hạnh phúc là một cái chăn quá hẹp…”. Ta thử trải nghiệm. Ta thử co kéo rồi. Chẳng thể chia đều, chẳng thể ấm áp, nếu không biết cách, không hiểu được hai chữ “cảm thông và yêu thương”.

Save the Earth

Save the Earth

Lũ lụt. Động đất. Núi lửa. Sóng thần…
Hình như khắp nơi trên hành tinh xanh này, nơi đâu cũng có những hiểm hoạ của thiên tai đang rình rập, ngấp nghé.

Nhân mạng biết bao con người đã bị cướp bởi cơn lũ dữ của miền Trung ở Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan…Rồi đến cả sóng thần – núi lửa tại Inđônêxia… Và, sẽ còn nơi nào nữa, bao nhiêu con người nữa phải gánh chịu những mất mát đau thương này?
Câu hỏi này sao trả lời mãi mà vẫn không xong? Chính chúng ta đang dần dần huỷ hoại môi trường sống, huỷ hoại ngôi nhà chung này. Nhưng, hình như nó vẫn chỉ là một câu hỏi chưa có lời giải đáp…

Hàng ngày, hàng giờ, từng phút – từng giây, chúng ta đang sống, đang làm việc, đang học tập, và cả đang hưởng thụ… Có ai nghĩ đến trái đất hình như cũng đang nóng lên? Có ai thoáng chốc giật mình muốn góp một chút tình yêu thương của mình dành cho trái đất, cho ngôi nhà xanh tuyệt vời này?

Những kẻ phá rừng, tàn hại thiên nhiên ở đâu đó có bao giờ nghĩ rằng: Trái đất của họ, ngôi nhà của họ đang bị chính họ đập phá?…

Xem Video clip này: Quả thật, tôi không thể dửng dưng. Vì sự thật đang phơi bày ra trước mắt. Những tai hoạ của thiên nhiên, những mất mát chồng chất đang đè nặng lên đời sống của con người. Hãy cảnh báo cho nhau ở bất kì nơi đâu bạn có thể. Hãy tỉnh ngộ để chung tay bảo vệ lấy Trái Đất của chúng ta. Hãy thể hiện tinh thần ấy, tình yêu ấy bằng những hành động thiết thực nhất, dẫu chỉ là một lời kêu gọi như thế này.

Vì Trái Đất – Vì những gì mà chúng ta đã nhận và được nhận từ Trái Đất…


English

Flood. Earthquake. Volcano. Tsunami …
Looks like all over this planet, where there are threats of natural disasters are lurking, aim.

Many human casualties were robbed by a flood of data in central Vietnam, China, Taiwan … Then the tsunamis – volcanoes in Indonesia … And it was nowhere again. How many more people suffered the tragic loss of this?
How to answer this question forever and still not finished? We are gradually destroying habitat, destruction of this common house. However, apparently it is not just a question to be answered …

Every day, every hour, every minute – every second, we are living, working, studying, and enjoying … Does anyone think the earth is heating up as well? Does anyone want to give a moment startled some of his love for the earth, for this wonderful green house?

Those who destroy forests, remnants of natural damage somewhere you ever think that the Earth their home themselves. They are being demolished? …

View Video clips: In fact, I cannot be indifferent. Because of the truth is exposed in front. Of natural disasters, the loss is weighed heavily on the pile of human life. Be alert to each other at any place where you can. Be awakened to get a hand to protect our Earth. Show your spirit, love in the most practical action, although only a call like this.

Because the Earth – because what we have received and are receiving from the Earth …
Because the Earth – because what we have received and are receiving from the Earth …

3/11/10

Bỗng yêu và thương

Bỗng yêu và thương

Chẳng yêu nữa đâu, chẳng nhớ nữa đâu. Em đi qua rồi, anh đi qua rồi. Những ngày xưa. Mờ xa, nỗi nhớ đã thành áng mây trời trôi mãi. Em đi qua, anh đi qua, và cả ai đó giữa cuộc đời vội vàng rong ruổi?

Vòng quay. Ngày nối ngày, giờ nối giờ. Ta quên lãng, đến mức cố tình ném xa khỏi vòng tay mình những điều nhỏ nhoi, mà em vẫn thường phẩy tay giữa chúng bạn, bảo rằng: “Hâm à!?, đừng nhảy nhót nữa. Tống đi.”
Ôi chao, lạnh lùng. Vung tay chém gió giữa trời. Em không cười nữa. Không dễ dàng nhoẻn miệng khi bước chân ra đường. Không dễ dàng trêu đùa thằng nhóc láo lếu, ngơ ngác nào đó trong lớp học.

2/11/10

Salioa và mẹ

Salioa và mẹ

Như một giấc mơ, tung bay giữa bầu trời. Những cánh chim xa tít tắp. Có mẹ trong bao nhiêu giai điệu em yêu.

Câu hát cất cao. Những nuối tiếc, một thời đã xa. Em nhìn thấy đôi mắt mẹ, lấp lánh niềm vui. Thấy mẹ trong mấy điệu múa của ngày xưa. Mẹ vẫn nhớ. Vẫn thương. Vẫn mong ngóng được quay trở về cả kí ức bé thơ, đầy bất hạnh. Mẹ bảo: “Ngày xưa, mẹ là hoa khôi, mẹ là người múa đẹp nhất trường”.

Quay về với đời thường. Mẹ quên hết, để thi thoảng em mới thấy mẹ hào hứng khi xem một chương trình múa trên tivi. Những điệu nhảy xa lơ xa lắc. Mẹ hát, mẹ cười…

Con gái và những điều mẹ kể, như giấc mơ bay nhảy trong tâm hồn còn nhiều non nớt ngây ngô. Dễ yêu, dễ xao động với điệu múa nào đó. Thấy cả những đam mê của một thời mẹ đã yêu… Bên đất nước xa xôi nọ. Mẹ đã từng đi, từng đến, và từng sống…

Salioa và mẹ

Salioa và mẹ

Như một giấc mơ, tung bay giữa bầu trời. Những cánh chim xa tít tắp. Có mẹ trong bao nhiêu giai điệu em yêu.

Câu hát cất cao. Những nuối tiếc, một thời đã xa. Em nhìn thấy đôi mắt mẹ, lấp lánh niềm vui. Thấy mẹ trong mấy điệu múa của ngày xưa. Mẹ vẫn nhớ. Vẫn thương. Vẫn mong ngóng được quay trở về cả kí ức bé thơ, đầy bất hạnh. Mẹ bảo: “Ngày xưa, mẹ là hoa khôi, mẹ là người múa đẹp nhất trường”.

Quay về với đời thường. Mẹ quên hết, để thi thoảng em mới thấy mẹ hào hứng khi xem một chương trình múa trên tivi. Những điệu nhảy xa lơ xa lắc. Mẹ hát, mẹ cười…

Con gái và những điều mẹ kể, như giấc mơ bay nhảy trong tâm hồn còn nhiều non nớt ngây ngô. Dễ yêu, dễ xao động với điệu múa nào đó. Thấy cả những đam mê của một thời mẹ đã yêu… Bên đất nước xa xôi nọ. Mẹ đã từng đi, từng đến, và từng sống…

Hoa xương rồng

Hoa xương rồng

Ôi chao, vừa thử một “quẻ” trắc nghiệm linh tinh trên fb. Hoa xương rồng ư? Cái loài hoa trên mình đầy gai góc, sống trong khô cằn đá sỏi. Mơ ngày mai, nhựa sống tràn căng ư?

Ồ – hoa xương rồng? Chẳng hiểu nữa. Những tháng năm xưa, sâu thẳm trong kí ức bé thơ. Hoa xương rồng đỏ chót. Lung linh như đèn đom đóm. Cả một thế giới của riêng xung quanh câu chuyện hoa xương rồng do mình tưởng tượng ra. Có lúc nó chát chúa, đớn đau. Có lúc nó dịu dàng ru vỗ.

Mỗi lần đi dọc phố. Thấy chiếc xe nọ, lướt qua với cả dàn đủ loại, đủ hình dạng hoa xương rồng, được chưng trong cái chậu be bé, xinh xinh. Thích mua, thích hỏi han, thích ngắm nghía, và thích một ai đó tình cờ tặng mình…

Thế giới này, giờ chỉ còn nhập nhằng cơm áo. Hết rồi, câu chuyện khờ khạo như thế giữa đời thường…

1/11/10

Xe đạp ơi…

Xe đạp ơi…

Cọc cạch. Qua phố…

Những chiếc xe đạp mùa mưa. Gồng lên. Khum lại. Đám sinh viên từ mấy ngả đường quen thuộc ùa ra đầu giờ chiều. Xưa, hình như bạn bè ta cũng thế. Mưa nghiêng nghiêng, trong veo. Con ngựa sắt èo uột.

Thằng bạn dạo nào nhong nhỏng cao. Cố leo lên con dốc nọ. Bước đường về nơi xóm trọ nằm xa tít. Nhọc nhằn. Năm cuối cùng chiếc xe vẫn cứ đồng hành cho đến khi ngày hai buổi đi về. Cơm áo, bao nhiêu? Gồng lên trong mưa gió.

* * *

Bốn năm rồi. Ngoài những làn đường tiếp nối nọ. Vẫn những chiếc xe, giữa tháng ngày Huế nằm nghe mưa đổ. Vẫn là đám sinh viên, vẫn là bóng dáng anh chàng nào đó vội đi quên cả đội áo mưa. Vẫn nghe tiếng xe đạp ơi, cóc cách đường về…

30/10/10

Những dấu chấm hỏi?

Những dấu chấm hỏi?

Tẻ nhạt. Triết thuyết kinh điển. Đau đầu nhức óc. Lí tưởng đẹp. Như một cánh chim trời. Bay rồi, mất hút.

Thứ bảy. Âm u. Trời Huế, quen thói dầm dề. Ướt át.

Hỏi mùa đông ấm hay lạnh? Đôi bạn sinh viên dung dăng dung dẻ dắt tay nhau đi ngoài phố nọ. Cười…

Không phải khảo tra nữa. Hand in hand. Đôi khi người ta chỉ cần cái tiềm lực tinh thần nào đó là đã thấy đủ đầy lắm rồi. Ờ, thời hoa mộng của mỗi người. Xa lắc…

Hỏi cái chớm rét đầu đông? Đôi trẻ vội vàng đi giữa phố. Tay không còn trong tay. Mắt không ngắm nghía mây trời. Môi run bần bật quên cả nụ cười…

Hỏi tháng ngày mùa đông? Những kẻ long nhong sương gió, với gánh nặng cơm áo ngày hai bữa. Chiếc xích lô gồng mình chở khách. Chiếc xe đạp tất tả đi qua. Gánh hàng rong buổi sớm. Vai áo sờn màu. Trời lạnh lắm không?

29/10/10

Sunrise…

Sunrise…

RSS

Sunrise…

Mặt trời đi ngủ rồi. 8h sáng, mây vẫn cứ ù ù lì lì. Đen ngòm cả Huế. Vẫn lếch thếch đội mưa đến quán cà phê vừa mới phát hiện ấy.

Sunrise may mắn nằm trên giao lộ của Trường Chinh. Góc này, trời nắng, mới thực sự là Sunrise. Cách thiết kế hiện đại, nhưng cũng để lại cho người ta một cảm giác hết sức tự nhiên khi bước qua chiếc cổng nhỏ, vào bên trong.

Tớ ngồi tít trên tầng hai. Vừa có thể nhâm nhi li cà phê ngon lành. Vừa tha hồ ngắm cái bầu trời đen ngòm ấy. Chẳng phải như mùa đông xứ Bắc lạnh buốt đến tận chân răng. Huế cứ làng nhàng chút xíu như “hù doạ” người ta. Ra đường đã phải khoác chiếc áo ấm bên người rồi.

Dân miền Nam quen ấm áp, có tí rét đã la làng la xóm. May mắn cái không gian của Sunrise đủ sức tạo cho khách: Vừathích thú với kiểu cách hiện đại, vừa yên tâm với góc ngồi ấm áp. Nếu có thêm vài ba người bạn đi cùng…

Cà phê. Là thứ tớ quan tâm nhất. Lại là cái thú thưởng thức hơi khó tính. Nhưng, đảm bảo được chất lượng có xứng với 11k/ li cà phê đó hay không thì cũng chẳng đơn giản tí nào. Nhìn qua phong cách của quán, có gì gần giống với quý sờ tộc ở Nhã Viên. Nhưng, thử bước chân ra đường. Ngó từ ngoài vào. Sunrise hình như cũng có cái gì đó rất riêng.

Độ này. Tớ cứ bon bon hàng tuần/ 1 quán cafe. Thấy mình cũng hơi rỗi nghề. Nhưng, sao cứ phải gò mình vào khuôn phép nhỉ? Nhỏ bạn tớ từng định nghĩa về những cuộc nhậu: “một cốc một li, đời chỉ là cơn mộng mị/ bảy cốc bảy li đời đáng yêu biết bao nhiêu”… Đó là khoản bia bọt, giờ tớ chỉ mượn một li cà phê thôi, cho cuộc sống của tớ thêm phần hứng khởi. (Ôi chao, một ngày con người được bao nhiêu cái hứng để sống? – Nghe ai đó nói)…

28/10/10

Go or Stop

Go or Stop

Không đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Mình sẽ bước đi. Nhưng, đôi chân mỏi. Lúc ấy chỉ muốn dừng.

Không thích phải chờ và đợi. Lại thoăn thoắt bước đi. Ngày mùa đông se lạnh. Đôi chân chẳng hề mỏi. Và đi, mình cứ đi…

Mấy góc phố này, mấy con đường này…

Đã đi qua bao lần không thấy nhớ. Chân bước. Giày mòn. Đường vẫn là đường thôi. Rộng – hẹp trong tấc gang. Mà đường đi không đổi. Nụ cười bớt tươi hơn. Hoá ra đã gần mười năm rồi.

Không thể dừng chân. Khi gót giày vẫn tiếp tục muốn bước. Thênh thênh. Để lùa cả cái rét lúc này đang ngấm dần qua từng lớp áo. Nhớ. Quên. Đi. Và đi…

27/10/10

Học trò ơi

Học trò ơi

Áo trắng tan trường. Con đường vàng hoa điệp. Nghe câu hát của học trò tung tăng trên những góc phố. Đi qua. Nhanh. Như cơn gió thoảng. Bay mất. Như cả một kí ức đong đầy.

Kỉ niệm. Học trò xem những tháng năm ấy như một màu cổ tích. Đẹp tựa vầng trăng mười lăm tròn vành vạnh…

Học trò ơi…

Còn đâu. Mỗi ngày đến lớp, như một khúc ca vui. Bạn bè. Thầy cô…

Chập chùng bên ô cửa những ánh mắt dõi theo đám mây xa tít tắp. Giật mình thoáng nghe cô gọi khảo bài. Lại lúng túng như gà mắc tóc.

Học trò ơi…

Tung tăng mỗi ngày đến trường. Có bước chân ai đó len lén theo sau…

Học trò ơi…

Buộc tà áo vào nhau, đuổi bắt như đàn chim non chấp chới cuối chân trời…

26/10/10

Mơ một miền cổ tích

Mơ một miền cổ tích

1. Mồ côi
Lẫm chẫm bước. Bé ngây thơ ngó lên chiếc bàn nhỏ. Vừa kê vội. Có một tấm ảnh. Đôi tay bé xíu ngác ngơ. Bé vơ lấy cây nến đỏ. Mọi thứ đều lạ mắt. Bé mân mê như một thứ đồ chơi…


Hơn một tuổi, bé vừa chập chững bước đi. Đôi chân trần lấm lem đất bùn. Của đợt lũ. Bé vẫn hồn nhiên. Đôi mắt to tròn. Những con người, cũng lạ lẫm. Không thấy cha đâu. Dưới chân, bùn đất còn đọng lại…

Hơn một tuổi thôi…
Em khóc ngằn ngặt. Em đang đói sữa. Thèm hơi ấm chở che của mẹ. Bộ quần áo nhếch nhác đất bùn. Sau lũ. Khuôn mặt em lấm lem nước mắt. Tay cha em trĩu nặng. Vành khăn trắng trĩu nặng. Trên đầu bốn chị em.
Chỉ mới một cơn bão thôi…

25/10/10

Nghe câu hò xa lơ xa lắc…

Nghe câu hò xa lơ xa lắc…

Hết câu hát năm xưa. Em lớn lên. Như sáo sổ lồng. Bay thật xa, tít tắp. Mẹ ngóng ngoài cửa. Đợi chờ. Con gái mà. Mới một cánh chim bay. Mẹ còn đợi bao nhiêu lần như thế nữa?

Sáo sổ lồng… con sáo sổ lồng nó bay…

24/10/10

Góc trưa

Góc trưa

Góc trưa, náo nhiệt – êm đềm lạ lùng. Đỡ phần quạnh quẽ tháng năm. Tít tắp nơi góc bể nào đó. Mẹ đợi chờ  đứa con gái ngỗ ngược, đòi du ngoạn cho thoả ước mơ. Ngày về. Bên mẹ, có bữa cơm do tay mẹ nấu, có nồi chè đậu đen thơm phức – béo ngọt, vẫn thòm thèm mỗi lần đi học về…

23/10/10

Món ăn tuổi thơ

Món ăn tuổi thơ

Chiều đi qua Huế. Những khoảnh khắc bình yên. Đôi bạn trẻ, một cặp vợ chồng. Dăm đứa học trò rúc rích cười, dành nhau mấy củ khoai nướng. Tuổi thơ ùa về trên đôi mắt của cô nàng nào đó. Long lanh. Tuổi thơ đến trong nụ cười của đám nhỏ buổi đi học về…

Khoai lang nướng thơm nồng cả góc phố… mùa đông…

21/10/10

Nhật kí sông Lam ngày 21/10/2010

Nhật kí sông Lam ngày 21/10/2010
1/10/2010 – Sông Lam ơi, nước vẫn đục ngầu. Mạng số mong manh. Sống chết mong manh. Yêu thương xin hãy cho đi thật nhiều. Sẻ chia xin hãy đong đầy hơn nữa.

Ngày này… Trên bến sông Lam…

5/9/10

Chán như là con gián…














Đời con gián nó thế, quanh đi quẩn lại với mấy trò vớ vẩn trong thiên hạ nầy. Chàng cứ bò ngang bò ngửa, hết lê lại lết. Râu chàng cứ thế mà phắn ra tua tủa như cái chổi xề cùn. Chàng còn va vất, khổ sở hơn nhiều, mỗi khi chàng lăn lộn ngoài trời bóng xế hay rúc rích trong xó nhà góc bếp “xin xỏ” mà đúng hơn là chôm chỉa những mẩu vụn nhỏ xíu xìu xiu của nhà họ. Mà, có phải một nhà nào cho cụ thể chắc chắn đâu. Chàng có một “biệt tài” khá hoàn hảo. Chẳng nơi đâu là chàng không sống được, thậm chí nhà nghèo hay nhà khá giả. Rúc tất tần tật. Nơi nào “beò dạt mây trôi” chàng cứ thế mà rúc. Đời chàng chỉ có thế là lấy làm “vinh hạnh” lắm lắm rồi. Nghĩ mà tủi, mà thương, mà xót xa thay cái thân phận cả ngày lam lũ, cũng chẳng đủ ăn, đủ xài gì cho cam. Đã vậy, đi đến nơi đâu chàng cũng bị người ta ghét bỏ. Nhiều lúc nhìn thấy chàng, người ta rủa nhiếc, mắng mỏ thậm tệ. Ấy là còn chưa kể đến mấy vụ “làm ăn” kinh điển của chàng. Chưa kịp “lột xác” hành đạo, quên phải là “hành thực” mới đúng, thì chàng đã bị người ta cho nốc out rồi. Ờ, mà cái đời nó vốn thế. Sống còn khó hơn chết đi. Hèn chi, họ đã cố tình nhiều lần cầm cái chổi lia, quét, đuổi xua chàng. Tệ hơn, người ta còn vác cái thứ gì dẹt dẹt trông như cái tấm thớt phạt xuống đầu chàng, mình chàng…Đâu dễ vậy. May mắn thay chàng có thêm cái tài “phóng nhanh vượt ẩu”. Người ta chỉ vừa đưa cái vợt lên rồi từ từ hạ xuống thì chàng đã phắn vào yên vị ở một cái hốc hẻm nào đó rồi (chẳng hạn như góc tủ, gầm giường…). Chàng cười khoái chí, dương dương tự đắc, vẻ như ta đây không chịu thua các người. Nhiều khi chàng cho rằng : cuộc đời chàng thế cũng ổn. Sống vơ vẩn nơi xó xỉnh thế mà lại hoá hay. Cứ chường mặt ra giữa thanh thiên bạch nhật, chắc gì đã sung đã sướng. Ôi giời, con người…Hễ thích là đấm đá, hễ muốn là gào thét. Chàng cho rằng những cái sự diễn ra xung quanh mình đấy, tất cả …bưa lắm. Khổ, con người thật là khổ…


Đúng là triết lý cùn của một con gián. Ấy, mà con người thì thế nào nhỉ, nhiều khi vụn vặt vớ vẩn còn hơn cả con gián nữa.

4/9/10

Gà con...mắc dzịch!

…Dạo này, trời thì đổi gió mây chuyển hướng. Lạ lùng quái kiệt đến thế chứ. Đang hừng hửng nắng bỗng chốc mưa vù vù, sấm sét tùm hum cả lên. Chẳng đau đầu thì cũng nhức óc mà tử nạn với thời, với tiết…

Cái lão gà nhà bên cạnh, thi thoảng lại toác mỏ lên hát nghêu ngao ầm làng, ầm xóm. Phát bực mình. Đã vậy nàng còn đỏng đảnh chạy ra, chạy vào; đứng hết góc này đến xó nọ. Mặt nàng trắng bệch bệch như củ cải, môi miệng chúm cha, chúm chím, đỏ choèn choẹt. Nhìn mà kinh…chắc một phần cũng tại thời tiết mà ra cả. Chẳng trách được nàng. Mọi khi nàng có thế đâu, giản dị cóc có se sua, đỏm dáng. Aáy, tưởng là hết. Ngắm nghía kĩ lưỡng một chút, lại thấy mấy cái móng chân của nàng cũng biến hoá, đổi màu đến dị hợm. Nàng sao thế nhỉ?…

Đám gà con thường ngày vẫn trêu đùa, cười choe choét với nàng cũng đứng đực mặt ra nhìn nàng như một con gà thần bí từ trên ngôi sao nào đó vừa rớt xuống cái bụp ngay sân nhà chúng thế này. Gà chả thèm. Chả phải để ý gì đến chúng sất. Nàng ngúng nga ngúng nguẩy, ngoáy mông ỏn ẻn quay vào nhà. Lướt qua lướt lại ngay chiếc gương treo tường. Nàng lại cười. Oà, có vẻ trông mình xinh ra, đáo để thật. Thế thì thằng trống nào chẳng khoái chí mà cười tít lít nhỉ? Cái bọn con nít ấy thì biết gì mà yêu chứ? Chà, anh trống của tôi ơi, giá anh có thể đứng trước mặt tôi lúc này?…

Ngắm nghía một lúc, nàng chạy lạch bạch từ nhà trên xuống nhà dưới, diễu qua diễu lại như người mẫu thời trang trước mặt gà mẹ và mấy đứa em. Nàng lại cười. Nụ cười ít khi tắt trên môi gà. Cười bất cứ lúc nào, cười bất kể nơi đâu. Cũng may ông trời còn thương xót, ban phát cho gà nụ cười duyên đến lạ đến lùng. Chả trách nàng thích cười, khoái cười và mê cười đến thế.

Tối. Nàng cứ nhẩn nha quẩn quanh mấy trò game vớ vẩn, chơi mờ cả mắt, gõ đau cả tay. Thế mà gà vẫn chẳng thể nào rời khỏi cái màn hình ấy được. Đầu óc ong lên nóng như lửa. Có làm sao. Nàng không quên nhiệm vụ làm đỏm cho mình là xong ngay. Mưa. Cái xứ nàng đang ở đấy, lúc nào cũng có thể nhìn thấy nước tung tăng ở trên cao cứ riêu riêu giọt long tong cả đêm trên mái nhà của gà. Cũng may, nhà nàng hơi kín cổng cao tường, chứ còn…cái ngữ như ngày xưa, chắc giờ này nàng phải đội mưa cùng mẹ gà chêm hết chỗ này đến ngách ngóc nọ…chứ lấy đâu ra thời gian cho nàng làm dáng, làm duyên phong lưu đến thế…

Bẵng… mấy hôm rồi. Cái xóm nhỏ nhộn nhịp chẳng thấy nàng lượn ra lượn vào nữa, đề cười duyên với họ. Đám trẻ cũng chẳng còn ngẩn tò te mà nhòm nàng như kẻ xa người lạ như ngày đầu tiên. Nàng vắng bóng đến một cách bí mật. Nhất là lũ nhóc hàng xóm. Chúng tò mò, tểu mểu chạy đi hỏi han, tìm kiếm nàng. Cũng chẳng lạ. Mọi khi nàng mê chơi, chịu chơi mấy trò trẻ con cùng với chúng. Nàng lớn hơn chúng thật, nhưng trông nàng bé bé bòng bong khi cười đùa chạy nhảy. Vậy mà chúng thích. Cho nên cái sự thay đổi ở nàng, đôi lúc thật chướng và cả lạ lẫm, ít nhất là với chúng. Nhưng chúng chả ghét được nàng lắm.

Vắng gà, nụ cười cũng biến mất. Căn nhà đang rộn rã tiếng cười bỗng chốc lạnh tanh lạnh teo đến là phát khóc, phát rồ thôi. Hoá ra nàng ốm. Nhìn coi, nàng bẹp xẹp như một con gián thật sự. Nàng ốm, nàng bệnh và nàng đau… chẳng hiểu là ốm với đau thế nào? Chỉ biết, thấy gà nằm đó. Đôi mắt nàng mỏi mệt, sắc mặt không còn hồng tươi, đỏ đỏ thắm thắm như mấy ngày đầu nàng tập làm đỏm ấy. Nàng cũng chả thèm cười như mọi lần. Thi thoảng lại thấy những giọt nước mắt lăn long lóc trên khoé mắt của nàng. Cái nầy mới là sự lạ nghen. Mới ngẫm nghĩ ra được một cái gì đó, chắc chả mơ hồ lắm: Đời nó thế… khóc và cười có cách nhau bao xa đâu. Mới cười tươi như mặt trời toả nắng vậy, đã thấy khóc tù lu tù loa lên rồi…

Từ cái đận ốm dậy đó, gà ít cười hẳn đi. Nàng cũng lấp ló trốn chui trốn lủi ở một góc nhà. Nàng cũng chẳng thèm nhấc chân ra khỏi phòng nữa bước. Gà thay đổi cũng như mưa như nắng ở cái xứ xở này vậy. Lâu, cũng thành quen. Mãi rồi bọn nhóc bên cạnh nhà gà cũng lớn, cũng tung tăng bay nhảy khắp mọi nơi như gà đã từng. Nhưng, ít ai biết nàng như thế nào? Chắc cũng chẳng phải tại thời tiết đâu?…Nhiều, phải rồi bấy lâu gà cười thật nhiều hoá ra chỉ để làm cho nỗi buồn của mình nó tiêu bớt đi…

Buồn cũng có ba bảy đường. Hiểu được trong chốc lát cũng khó. Chỉ biết, lạ thiệt… tối rày gió mưa có nặng nề hơn, ầm ào dữ tợn hơn. Lại bão rồi đây...

Tiếng gõ phách của mưa như muốn nện tung mái nhà lợp tôn. Thấy lành lạnh…

3/9/10

Một mảnh trời thu!



Chưa đến buổi ngày rằm, trăng tròn lúc luỷu treo tít trên cung quảng đã nghe tiếng trẻ con ùa chạy, gọi nhau í ới. Đã nghe dậy sấm trống lân khắp trong nhà ngoài ngõ xóm. Cái thuở nào bay nhảy, tíu tít như chim sâu non lách cách chạy theo những ngọn đuốc cháy rực lửa trên những con đường mờ mịt bụi đất. Thế mà vẫn cứ thích thú hò reo, thích thú la cà nách thêm một đứa em nhỏ cười say mê, đỏ cả má hồng non tơ. Này thì cậu bé nghịch ngợm trên tay một cây súng nước nhỏ cứ vậy bắn xịt lung tung khoái chí. Còn kia, thì lũ con gái đỏm dáng với đủ loại đèn lồng lấp lánh nến lung linh sắc màu của giấy bóng. Thấy hội rằm mà những kẻ đã quá lứa, quá tuổi vẫn còn mơ mộng, ngẫm nghĩ cái ngày xưa. Ừm, thì mình cũng như chúng nó chứ có khác gì. Cũng một thời, chạy đuổi theo cái ông trăng tròn vành vạnh, sáng bạch bạch kia mà tự hỏi: " không biết nó có đi theo mình hay chăng?". Ấy thế, rồi lại cũng cười tí tởn, ngước cổ lên trời, vừa chạy vừa cười vừa nhìn để thi chạy với trăng. Có phải đâu chỉ chừng đó là đủ. Cái lũ con nít, con nôi cũng đa nhiêu, đa sự đến thế là cùng. Tuổi thơ nó cứ ngây ngô gieo cấy vào óc những ý tưởng nghĩ suy đến là lạ. Nhiều lúc chúng cũng tự nhìn lên trăng rồi ngẫm ngợi lại câu chuyện cổ tích đã được học, đã thấm sâu vào mỗi giấc ngủ mộng mơ của mình: " phải chăng có chị Hằng nga đẹp tuyệt trần? Và phải chăng có một chú cuội ngồi ôm gốc cây đa?"… Ôi thôi, nhiều vô kể. Có khi, chẳng giải đáp được, chúng lại mang cả một vầng nguyệt bạch vào giấc ngủ còn vang rộn tiếng cười của gió thu, còn vẳng đâu đó một tiếng trống lân và những chiếc đèn ông sao, đèn cá chép hay những chiếc lồng trăng tròn tròn sáng loá cả ánh mắt long lanh của đám trẻ con. 
 Mới mười ba, trăng cũng chưa chín rụng nhưng hình hài gần vừa vặn đầy tròn. Chỉ cần thế là lũ chúng nó đã có thể lục tục thắp đèn, thắp nến ngẩn ngơ, hồi hộp tung mình rong ruổi theo đoàn lân nghiệp dư rồi. Rủ rê thêm vài ba đứa bạn nữa, lũ trẻ con trong xóm trong các nhà đã túa ra đầy đường, đầy chợ rồi kéo nhau chạy đến khi nào đèn cháy, nến hết thì thôi. Cái thời xa xưa lơ lắc, lũ trẻ nghèo chỉ có những chiếc đèn tự tạo bằng tre đan khéo léo, rồi dán giấy màu lên. Đứa nào khá lắm thì có đèn ông sao năm cánh, còn không thì đèn lồng bằng giấy trắng hay giấy màu mà chúng tự mình mày mò, cắt dán. Còn bây giờ, nhìn quanh quất, chắc thỉnh thoảng ta mới có thể thấy một chiếc đèn thủ công thắp nến lúc tắt, lúc đỏ trên tay con trẻ. Cái thời, cái thế nó cũng cho đám nhỏ cơ hội được khoe bạn, khoe bè những chiếc đèn lồng đủ hình đủ sắc. Nào là con thuyền titanic nhiều buồm, nhiều màu sáng loá bằng một cái bóng nhỏ được chạy pin. Ấy là loại đèn lồng hiện đại mà chúng chẳng còn phải lo hết nến, hay cháy đèn nham nhở dọc đường đi nữa. Nhưng, dẫu sao người ta; nhất là những kẻ đã qua cái thời rước đèn tháng tám ấy hình như vẫn còn mong muốn lắm được nhìn thấy thật sự không khí của ngày hội thuở nào mình còn tung tăng chạy theo trăng. Người ta cũng vẫn còn thèm lắm, được nghe thoang thoảng gió thu thổi mát rượi đuổi theo mỗi bước chân lấm lem đỏ chạch đất cát.

Lũ trẻ nít thì thế. Chứ còn những ông bà già lại có cái hội riêng, có cách chơi trăng thu tháng tám riêng. Cũng chẳng kém thích thú hơn đám con cháu. Họ ngồi quây quần lại bên một chiếc bàn đơn sơ được kê ngay góc sân vườn. Một cụ, hai cụ …nhấp nhi ngụm trà thơm, đưa lên môi móm mém vài mẻ bánh nhân đậu, thịt, dừa tròn tròn thơm dịu. Thế là cũng thi vị, thanh tao lắm rồi. Còn những người mẹ trong gia đình thì hầu hết cũng đã chuẩn bị sẵn một mâm cỗ cây trái, bánh kẹo hay một nồi chè nóng hổi để chờ trăng lên, chờ đám trẻ rước đèn mệt lả về bò lê ra chén cỗ. Chẳng biết bên Tây nó thế nào? Chứ cứ như cái khung cảnh gia đình người Việt đón tết trung thu nhìn thấy mà ấm áp cả lòng, cả dạ. Mỗi người trưởng thành đều đã được sống, được đón và trải qua những giấc ngủ có vầng trăng tròn, có đầu lân tưng bừng tiếng trống, hay hình ảnh của những ông địa béo phì cầm chiếc quạt mo phe phẩy tung tăng theo tuổi ấu thơ. Lẽ thế chăng, mà có đi đến góc bể chân trời, có thêm bao nhiêu cái tuổi đi nữa nhưng cứ đến mỗi độ rằm thu họ lại thẩn thờ, thả hồn ngơ ngẩn chút ít về cái ngày xưa ấy xa xăm. Lại thấy nhớ, thấy thèm, thấy muốn ước ao lắm được làm một đứa trẻ con cầm cán đèn thắp nến mà í ới với bạn bè quanh xóm, quanh làng…
 Trăng chưa tròn vành, đã thấy lá thu rơi. Đời thêm một chồi non lìa cành, người thêm một năm tuổi xuân chuẩn bị lìa trời gần với đất. Gió thơm mát mùi bánh nhân nướng, mùi sáp nến cháy bập bùng loé sáng cùng với trăng sao… 
Vân Giang

30/8/10

Đến với bài thơ hay của Từ Linh Nguyên

Sợi quê ai buộc mà thương



. . . Ai mang năm tháng đi đâu
Để cha đem sợi nắng nhàu ra hong
Mùa quê dông bão phập phồng
Luá chưa gặt đã rũ đồng mạ non

Quặn lòng câu hát ru con
À ơi . . . lặn lội bãi mòn mưa phau
Đất quê phận bạc dãi dầu
Chân mẹ vấp lối lưng trâu gập ghềnh

Về bên quán vắng đầu đình
Thương câu hát đối ngày mình với ta
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa . . .
Ai ngờ buộc mãi vào ta với mình

. . . Đắng cay bồi góp nên tình
Muối yêu nên mặn cay gừng bởi thương
Bao năm lưu lạc phố phường
Giấc mơ đói cả gió sương quê mình

Giờ bên ngõ lá rung rinh
Giọt trăng thơm nụ môi xinh búp chồi
Tiếng cười ai đó đánh rơi
Mà nghe như cả đất trời tơ vương

25/8/10

SƯƠNG QUÊ



Đi dọc con đê làng những ngày quê đổ nắng, thấy cánh đồng phủ rợp một màu xanh tựa huyền thoại của lũy tre xưa khuất sau từng ngõ xóm. Những mái nhà nâu nâu bởi trời chiều lỡ buông vài cơn mưa nhỏ. Em đi, anh lẽo đẽo chẳng theo đến gần. Tình ở quê trong vắt như giọt sương trời lấm tấm mỗi sớm mai khi màu đêm chưa vội khoác lên mình ánh nắng lung linh. Có lúc em chợt tủm tỉm cười khi nhận ra mấy giọt sương đang đọng trên tóc mình giữa chiều, tối. Em ngỡ ngàng hỏi anh: “Sao lúc nào ở quê cũng có sương thế?”... Em cứ nghĩ sương chỉ rớt rơi vào buổi sớm. Đôi khi em bướng bỉnh không muốn nhận mình mỏng manh yếu đuối. Cứ trằn trọc hoài với những âu lo. Nhưng, phải chăng dịu dàng là những giọt sương quê kia đang đọng nơi nào đó trong em?

Ngày về, anh như một mặt trời giữa muôn ngàn hoa cỏ dại. Em chỉ là cọng lúa phất phơ, đang cố ngoi lên để được sưởi ấm giữa đám sương quê còn vơ vẩn chưa chịu rời chân đi. Bà ngoại anh bảo: “Chà, đuôi tóc chim ri kìa!”. Em ngẩn ngơ vuốt nhẹ. Rồi thủng thằng quay mặt đi giấu bà nụ cười mỉm ngây ngô. Tóc con gái quê dài lắm. Lại đen nhánh, mượt mà bởi hương hoa bưởi, bởi những thứ chân chất đời thường. Em chẳng phải con gái quê, nhưng “đuôi tóc chim ri” của em ngắn cũn cỡn, nụ cười của bà dịu dàng ấm áp. À, tóc chim ri đang rạng ngời màu lúa non xanh. Tóc bà lấm chấm tựa dải mây chiều đang bay vội. Nghe thương thương từng hơi thở yếu ớt của mái tóc trắng pha sương.

Vào độ giữa ngày rằm, chỉ có ở quê em mới nhận ra được sự tinh khiết của ánh trăng đang treo đầu ngọn gió. Sương vẫn lấm tấm rơi khắp mọi nơi. Sương mong manh, bảng lảng tựa đất quê thấm nồng giọt mồ hôi của mẹ. Em giật mình khe khẽ nói với anh: “Lưng còng phơi sương, hay nụ cười rạng ngời sung sướng khi được hi sinh và yêu thương anh nhỉ?”. Anh ngơ ngẩn thoáng nhìn vào mắt mẹ. Phải chăng, sương quê đã nuôi dưỡng những linh hồn thánh thiện đến thế. Chợt thấy mình chỉ mới thấm một tí thôi những giọt sương quê ấy. Mẹ, một đời trắng bạc mái tóc đen...

Ngày đi, sương quê vẫn còn vấn vương nơi vạt áo. Níu chân anh trên những con đê. Ngày đi, sương quê hóa thành nỗi mong chờ tháng ngày của bà. Và, anh đi... trên đuôi mắt mẹ còn sót lại những hạt sương...

Vân Giang

12/8/10

Nối thơ

 

Gửi lại tuổi thơ...(By Thùy Dương)

Em gửi vào anh tuổi thơ em
Tuổi thơ em đó chẳng có gì
Chỉ nho nhỏ đôi chân trần trên đất
Một cánh đồng và lặng lẽ dòng sông

Anh biết không anh em nhớ lắm
Những buổi chiều cùng mẹ hái rau
Những buổi sáng chăn trâu cắt cỏ
Bắt ve chơi những tối đêm hè
Rồi hái trộm hoa chơi trò đám cưới
Bị đuổi dài vẫn khanh khách thật vui
Cứ nhớ mãi thằng đóng làm chú rể
Em cô dâu cũng biết thẹn thùng
Giờ nhìn lại, ôi tuổi thơ cổ tích
Trao anh rồi vẫn nhớ quá tuổi thơ ơi
- Lớp 10, 1997 -

Cái thời em vẫn còn 16 tuổi
Thích làm thơ và mơ sẽ giống những thiên thần
Nụ cười bắt đầu nở mỗi sớm mai thức giấc
Tóc dài hơn đỡ lấc cấc như ngày xưa

Cái thời dạo chơi trên cánh đồng đầy nắng
Khóc một mình để anh hàng xóm phải bận tâm

Bây giờ buồn không còn được khóc
Để nghe anh gặng hỏi nhẹ lòng
Bây giờ buồn chỉ còn nước mắt
Đong đầy lại chảy vào trong

Em gửi lại cho xa xôi ngày xưa ấy
Ngày có nụ hồng hờ hững được trao tay...

Nối:
Em giấu đi kí ức xưa bé bỏng.
Tuổi mười lăm khờ khạo đến vô chừng.
Tuổi mười lăm mơ tình yêu màu cổ tích.
Thích mỉm cười những khoảnh khắc không đâu...
(Hương Giang Trần)
Hồi mười lăm em cắt tóc con trai,
Đội mũ lưỡi trai và đi giày khủng bố.
Em chẳng biết mơ mộng nhìn qua khung cửa sổ...
Mọi thứ bắt đầu khi em nhận được một chiếc cặp xinh...
(Thùy Dương)
Rồi mười lăm - đã qua - không đợi tuổi
Như trăng rằm khe khẽ nấp trong mây
Tóc con trai - em thay bằng tóc gió
Thổi tung chiều đầy nắng - lá vàng bay.


Mũ lưỡi trai nghiêng vành thành nón nhỏ
Em ấp e giấu hết... những nỗi niềm
Đôi giày khủng, sợ ai kia nhếch mép
Con gái gì...mà cứ giống con trai...

Rồi mười lăm - em đi qua mười sáu
Gỡ khói mây, em bện tóc thành chiều
Gỡ tà áo, em buông trôi chút gió...
Để một người thơ thẩn bước theo sau...

(Hương Giang Trần)
Rồi mười lăm - em đi qua mười sáu
Biết làm thơ và biết thẹn thùng
Biết liếc nhìn rồi thì đỏ mặt
...Giật mình khi ai đó theo sau...
(Thùy Dương)
Sì tóp here



10/8/10

Góc xưa

Mơ nắng tràn trên cao, mơ chiều về có cánh chim chiều chao nghiêng với gió. Xưa, là tuổi thơ. Xưa có đám nhóc dung dăng bắt dế ngoài đồng. Xưa, có những giọt nước mắt của những tháng ngày không trọn vẹn nỗi niềm. Khóc - cười, từ trong ấy em lớn lên. Khóc - cười từ trong ấy... em mơ giấc mơ có những nụ cười cổ tích. Thương thương tháng ngày xa xưa - đã qua - lâu lắm rồi. Đôi mắt em không tìm những góc ngày xưa đã trở thành nỗi nhớ khó gọi thành tên, mà chỉ mỗi em lắng nghe tim mình xót xa - thổn thức...

Góc xưa, em tủi hờn kiếm tìm đám ốc bé nhỏ dạt trôi vào biển làng còn đầy nắng gió. Ru và ru ... nỗi cô độc của tuổi thơ - em đã biết đến bây giờ. Hạnh phúc mong manh, em phải luôn kiếm tìm. Nụ cười xa xót em mua riêng không tốn xu cắc. Cũng khó tìm như khoảng trời xưa, em... cố tình đánh mất. Thôi đành thả trôi, thôi đành kín giấu một thời...

Góc xưa, tuổi mười lăm - em rúc vào xó xỉnh chỉ có mỗi bức tường lạnh lẽo. Mơ hoài một giấc mơ thôi. Xa lắc xa lơ, khi em lặng lẽ giấu hết đi những nụ cười hồn nhiên thơ trẻ. Đi đi. Chiều không còn nắng. Đêm nghe mưa rơi lộp độp trên mái tôn nhà lõng bỏng nước. Góc xưa, thương nhiều cho đàn em nhỏ. Em lại phải giấu đi nụ cười...

19/7/10

Bản giao hưởng ngày xưa

Những thanh âm - giai điệu lăn tăn như một ánh nắng lung linh ấm áp tận nơi nào đó mà tôi đang cảm nhận cho một ngày mới. Sự lạnh lùng - bướng bỉnh cố hữu không thể tồn tại khi mặt trời chào đón tôi bằng tiếng chuông điện thoại và bản giao hưởng ấy. Xa lắm cái tuổi con nít. Xa lắm những tháng ngày trôi...

Những ngôi sao buổi sớm trong veo như tiếng nhạc. Tôi đang mơ. Tuổi thơ, những cánh diều, bầu trời hanh hao cái nắng mùa hè. Tôi mơ những giấc mơ lam lũ, có ánh mắt khát thèm chiếc kẹo ngọt. Có tiếng cười của bạn, có tiếng cười của tôi và cả những đứa em thơ mặt mũi còn lem luốc bùn đất ngày xưa. Yêu thương sao dịu dàng, trầm lắng quá đỗi. Tôi đi tìm nỗi niềm kí ức. Tôi đi tìm những giấc mơ tươi mới như màu xanh lá cây của chiếc ô lá chuối che chung khi mưa về cuối xóm. Lắng nghe bản giao hưởng nhẹ nhàng, chân tôi bước theo những ánh nắng. Ngày xưa...

Paul Mauriat - ngọt ngào như dòng suối của Tây Nguyên, dịu dàng như bạn tôi ngày nào. Có thể tôi đã từng vô tình cho tháng năm, bởi sự bướng bỉnh ngang tàng. Nhưng, trái tim tôi, cuộc sống của tôi luôn ngập tràn tình yêu thương - bao dung thay cho quá khứ, cho kí ức ngày nào đã không trọn vẹn nụ cười của tuổi con nít con nôi ngốc xít. Tôi đem khúc giao hưởng ngọt ngào này tặng cho cuộc đời, tặng cho những người bạn nơi nào đó ở bốn phương trời xa tít tắp. Và hạnh phúc, chỉ là sự giản đơn đến không ngờ, khi tôi hay ai đó nhìn thấy được, nghe thấy được, cảm nhận được âm thanh cuộc sống nằm trong những tiết tấu nhịp nhàng - yêu thương này...

18/7/10

Nước mắt...

Có khi thật vô chừng. Những giọt nước mắt tuôn tràn lại làm cho nỗi đau nào đó nơi đáy tim được câm nín chốc lát. Nhưng, cũng có lúc - nước mắt không thể giải quyết đuợc, khi nó chảy ngược vào trong. Nỗi đau câm lặng, cào cấu trái tim đến ứa máu. Khi bạn còn khóc được, phải chăng bạn vẫn còn  biết yêu thương trước cuộc đời này?

Vậy mà, khi người ta phải khóc không phải bởi những nỗi niềm riêng tư nào đó. Khóc vì một người thân đã ra đi, khóc vì một niềm hạnh phúc bất ngờ... Tất cả những giọt nước mắt ấy đều có ý nghĩa. Nhưng, đôi khi người ta sợ những giọt nước mắt...

Uất hận, khổ đau, hay cả một khối sầu mênh mông nơi nào đó đang khiến bạn mơ hồ thấy xung quanh chỉ là những biển nước. Có thể nước mắt mang đến cho bạn những khoảnh khắc của chính mình. Nhưng, giá như khi bạn biết cười nhiều hơn kể cả lúc lòng chứa chất thật nhiều buồn phiền, và con đường phía trước luôn mở ra cho bạn nhiều nụ cười thật sự, những ánh sáng biết cười nơi đó sẽ đón chào bạn.

Đừng tìm kiếm thêm nỗi đau nữa khi trái tim bạn đã chứa chất thật nhiều. Đừng biến mình thành cây xương rồng có nhiều gai để mọi người thấy bạn là kẻ mạnh mẽ, nhưng nước mắt đang rơi đâu đó trong tâm hồn yếu đuối của bạn. Hãy để nụ cười và tình thương cuộc đời mở lối cho bạn đi về phía có mặt trời.

15/7/10

Mong manh...

Chiếc cốc thủy tinh dễ vỡ, nếu chúng ta không cẩn thận khi cầm nắm. Một tình yêu dễ tan, nếu chúng ta không cho nó một sự giữ gìn vun đắp. Hay đơn giản bất chợt ta bắt gặp một hình ảnh nào đó trên đường, thoáng qua làm ta nghĩ ngợi. Sự yếu đuối, mỏng manh...

Cuộc sống phải chăng cũng thế. Nhớ những tháng ngày, còn rong ruổi với những nghĩ suy hết sức đơn điệu về cái tôi của mình. Giờ thấy ích kỉ. Đôi khi có lặp lại. Nhưng, đã mạnh mẽ hơn khi bất chợt nhìn thấy bên đời còn quá nhiều những điều không chỉ dành riêng ta. Thế giới rộng lớn, nhưng con người thì nhỏ bé vô cùng. Chỉ giống như một chú kiến con lầm lũi. Chẳng biết, may mắn hay rủi ro sẽ đến khi nào. Thôi, ta lăng đi những bé bỏng của "tôi", để có thể nhận thấy giá trị cuộc sống.

Cũng như chiếc cốc thủy tinh, đời người mong manh. Sống chết cũng mong manh, gần nhau trong gang tấc. Có bao nhiêu thời gian để người ta được sống, được cảm nhận thế giới, được nhìn thấy mặt trời, được tung tăng hát ca, được khóc la, được là con người?... Thật khó trả lời. Nhưng, bỗng một hôm ta đi qua một đám ma nào đó. Hay chứng kiến sự ra đi của những người hàng xóm xung quanh ta. Một đứa trẻ học cấp ba, hàng ngày vẫn ra trước ngõ nhà mình đá bóng với chúng bạn. Giờ đang nằm chờ đợi một sự ra đi với căn bệnh ung thư. Một người đàn ông chưa đi hết sáu mươi năm cuộc đời, vừa mới ung dung ngồi uống trà ở cái tuổi ngũ tuần với hàng xóm đêm qua, bây giờ lại nằm trong một chiếc quan tài, đợi ngày về với đất...

Có lẽ ít ai nghĩ tới điều đó khi họ đang sống, đang hưởng thụ. Thậm chí có kẻ còn ngu muội, khi bi quan với một điều gì đó, chẳng hạn một sự thất bại tạm thời, giải pháp mà họ nghĩ tới là quẳng bản thân mình đi, hủy hoại bản thân mình. Hay nói rõ ràng hơn là tìm đến cái chết. Quay nhìn lại bao nhiêu người đã ra đi vì bất hạnh của bệnh tật, vì sự rủi ro trong cuộc sống, có ai nghĩ được: Sự sống của con người sao quá mỏng manh? Làm gì, hành động như thế nào để ta có được cái giá trị của một kiếp làm người? Không phải là sự bi quan, không phải là những suy nghĩ lệch lạc, cũng chưa phải là sự hưởng thụ của riêng bản thân mà quên đi kẻ khác. Chỉ biết sẻ chia vài điều để có lúc nào đó ta nhận ra cuộc sống này luôn quá mong manh. Ta có nên yêu thương nhiều hơn, bao dung, rộng lượng nhiều hơn, hát ca nhiều hơn với con người, với cuộc đời này chăng? Để biết rằng: Sống không hề đơn giản....

Hãy làm những gì chúng ta đang dự định, hãy hành động bằng cả trái tim và tình yêu thương của mình. Khi ta sống ý nghĩa, phải chăng là khi ta biết nâng niu giá trị của nó bằng cách sẻ chia nhiều hơn nữa với cuộc đời...

10/7/10

Tha thứ...


Cái cụm từ kia đôi khi thấy nó quá đơn giản mà suy ngẫm mãi cũng chẳng hiểu nổi được mấy mươi phần trăm.
Có một thằng nhóc nhắn cho tôi cái tin: "Chị ơi, mình làm sao để biết cách tha thứ?...". Nó hỏi khó thế. Tha thứ cho cái gì? cho một người nào đó, cho một quá khứ nào đó, hay cho những tháng năm xa xưa đã từng làm chính mình đau đớn? Trả lời làm sao được, khi chính tôi đôi lúc cũng bị rơi vào trạng thái gọi là "không bình an" ấy...Thôi kệ, cứ để cho nó tự tìm thấy câu trả lời. Ấy vậy, khi phát hiện ra rằng, mình còn những cảm xúc, những ủy mị của trái tim mềm yếu. Tôi lại lăng đi hết những kí ức đớn đau, rồi mỉm cười. Phải chăng lúc ấy tôi đã biết cách tha thứ?

Cái gọi là tình thương, nghĩ hoài mới thấy nó rộng lớn quá chừng. Nói với thằng bạn: Mày thử đặt nó ra ngoài dấu ngoặc xem sao. Còn tình yêu thì cho nó vào trong ngoặc. Khi đó, tình thương sẽ lớn hơn. Có thể nhân rộng, có thể viết thật nhiều hai chữ ấy mà không cần phải đắn đo bởi dấu ngoặc của tình yêu. Và cũng khi đó, bạn bắt đầu biết tha thứ...

 Rồi, một ngày tôi nghe nhỏ bạn thủ thỉ: "mày ơi, đừng thù hằn chi cho tội nghiệp..."Thôi, lại rớt rơi thương xót. Tha thứ nhé. Ừ, xa lắm rồi... chỉ là những con đường không thể sóng đôi. Tôi cười. Thấy lòng mình bao dung hơn. Thấy nhẹ nhõm quá chừng chừng. Đó có phải là tha thứ?...

Có lẽ, thằng nhóc nọ đọc được bài viết này sẽ hiểu câu trả lời của chị nó. Chỉ có một câu học thuộc của ai đó: "hãy yêu anh ít đi và hiểu anh nhiều hơn"...Liệu có ai vận dụng câu này không nhỉ?

7/7/10

nụ cười và tình yêu thương

Mỗi buổi sáng thức dậy, khi mặt trời óng ánh dát vàng nơi đầu cửa sổ. Khi tôi nghe những thanh âm lao xao bên ngoài cuộc sống. Nụ cười sẽ luôn là điểm tựa cho một ngày mới của tôi.

Những tháng năm nhọc nhằn phía trước bỗng trở thành sự ấm áp trên môi, khi tôi bắt gặp những nụ cười của bạn bè tôi.
Tôi đã đi qua thật nhiều, tôi cũng lặng im thật nhiều khi cố tình lãng quên đi những điều thật nhất. Rồi một ngày kia, tôi bắt gặp nụ cười trong chính trái tim tôi. Nụ cười của tình yêu thương, nụ cười của sự chân thành, nụ cười thân ái của mọi người...

Tôi không buồn nhiều nữa, tôi không chạy trốn trong một chiếc vỏ ốc nữa. Tôi phải cười thật nhiều, để kiếm tìm cho mình cơ hội của cuộc sống và tình yêu thương. Tôi sẽ cười để nhìn thấy xung quanh tôi, bạn bè vẫn luôn niềm nở đón chào và bảo bọc cho trái tim tôi được bình an...

Trong cuộc đời, người ta cứ ngỡ rằng: ta chỉ là riêng, là duy nhất giữa thế gian...Nhưng, có mấy ai biết được, mình sẽ không bao giờ cô độc nếu biết cách kiếm tìm và giữ gìn lấy những nụ cười và biết cách điều hòa tình yêu thương bằng nụ cười của chính mình.

Như một lời cảm ơn, tôi muốn gửi đến những người bạn thân yêu, những người biết cách tìm kiếm và gìn giữ nụ cười. Những người biết sẻ chia cho nhau nụ cười cuộc sống...

28/6/10

Share...


Một buổi sáng đẹp trời, nắng long lanh trong mắt. Nghe những âm thanh cuộc sống nhảy nhót. Ta cũng ca vang. Cũng hào hứng hát với mây trời. Nụ cười xinh, hồn nhiên...Bên ngoài kia, ta đã dần lăng đi những thứ xưa cũ. 
Một buổi sáng đẹp trời. Ta thấy bạn từ trong đáy mắt. Sóng sánh chiếc áo xoa rê ta bước giữa thánh đường. Ước mơ thuở bé, ngày nào còn mộng mơ những khoảnh khắc ấy. Những người bạn yêu thương đi theo sau. Nụ cười ta bẽn lẽn, khạo khờ chẳng phải cô nhóc tinh nghịch ngày xưa, đã từng bướng bỉnh trước bao người...


 Một buổi sáng thứ bảy. Khi tiếng chuông giáo đường và lời chúc phúc cất cao trong tiếng hát. Ta thấy ta đang bay giữa mông mênh đất trời. Thật xa, thật cao. Chiếc nhẫn nơi ngón tay trái, có mặt trăng, mặt trời, ngôi sao... Vũ trụ nhỏ bé. Vũ trụ yêu thương. Ta bỗng thấy mình vẫn còn bao dung nhiều lắm với trái tim mình. Không lăng đi những cảm xúc, không lăng đi cái còn cao cả hơn trên đời. Tình thương - đôi khi lớn hơn tình yêu. Ta có thể không chỉ dành riêng bạn ấy mà cho cả kiếp người, cho những người bạn từ nam chí bắc đang dõi nhìn theo ta phía dưới...

Khúc hát Lullaby không thể vơi đi nỗi đớn đau kí ức tuổi thơ. Nhưng, ta biết khi share đi những điều này, ta vẫn thấy cuộc đời dành cho ta rất nhiều niềm vui và hạnh phúc. Những người bạn đáng yêu, những xưa cũ vẫn dành cho ta - một con bé khờ khạo ngốc nghếch góc riêng nào đó. Ta biết. Ta hiểu. Và ta cầu chúc cho hạnh phúc của họ. Ta thứ tha cho tháng năm sẽ chỉ là kí ức... để sống trọn vẹn với tương lai...

24/6/10

Xênh xang cao nguyên


Những cơn mưa nặng hạt rơi rả rích, thở than cùng với mây trời, những ngọn núi màu trắng bạc lấp loáng che phủ cả ánh mắt dõi theo xa xăm trong màn nước…Người quay vê bên phố núi xênh xang. Thấy con đường bỗng dài hơn vạn dặm.
Lẽ sống ở nhân trần này khi kịp nhìn nhận ra thì cảm tưởng mình đang mắc nợ cuộc đời đã quá nhiều. Trả vay, vay trả, có cố hết kiếp vẫn không xong được. Sống còn khó gấp trăm lần chết đi. Lúc ấy mới biết mình sinh ra đâu giản đơn chỉ để sống, để ăn, để ngủ không thôi. Sống làm sao, khi từ giã nó mình còn có thể mỉm cười thỏa nguyện, thỏa chí tang bồng. Sống làm sao, để nhìn thấy dẫu ít ỏi thôi những dư vị của đời thường, của những khoảnh khắc yêu thương nơi mảnh trần ngắn ngủi này… 
  
Xe vẫn cứ đều đều lăn bánh, có phần gấp gáp hơn như chạy đua cùng với những giọt nước lung linh đùa vờn, quét lên mặt người, táp cả vào da thịt thấm sâu trong áo lạnh buốt…Chỉ còn dăm giờ đồng hồ nữa thôi, người đã có thể chiêm ngưỡng cái mảnh đất đầy bụi đỏ và gió này. Khí ở Tây Nguyên khác quá, có đi thật xa cũng dễ dàng nhận ra cái mùi vị của nó lúc quay trở về. Một chút ít cảm giác lành lạnh của cơn mưa đầu tháng bảy, một chút ít gió thốc vào da mặt, thế là có tình rồi…Cái tình của người đi xa, cái tình của kẻ đã gắn bó mảnh linh hồn đơn độc trong cả nỗi buồn lẫn nước mắt hay nụ cười. Đó là những ký ức mà dẫu người ta không cảm được khi đang sống, thì cũng có thể thấu nhận nó khi xa cách. Mỗi nơi có một phong vị, một cách thưởng thức khí trời riêng, không thể lẫn đi đâu được. Mùa này, người Tây Nguyên chỉ có mỗi cái thú là được ngồi bên bếp lửa quây tròn ngay gian giữa nhà sàn để nhìn những bóng khói thơm phức từ chiếc nồi gang lớn tỏa lên. Hơi của bắp ngô luộc, kể cả ngô nướng còn tươi cứ nổ lách bách dưới than hồng. Trẻ con trong buôn làng cũng chỉ giản dị, lem luốc chẳng cầu kỳ quần áo, cứ phong phanh giữa cái lạnh miền sơn cước mà tung tăng cười nói, lùa tay vào lửa khều từng quả ngô nếp, hạt chín vàng ươm đều đặn, rồi hồn nhiên như thuở hồng hoang. Họ, những con người của núi rừng, của tiếng chim kơtia thong thả hót mỗi mùa nương rẫy, rộn rã cồng chiêng mỗi mùa lễ hội vẫn sống đều đều, giản dị như những con thoi vàng cổ tích. Có lẽ những cảm giác này, người ở miền khác khó mà thưởng, mà nhận, mà nhìn thấy được lắm. Dẫu thèm thuồng hương vị của ngô luộc hay ngô nướng thì cũng chỉ chạy ngay ra đường đến những quầy hàng rong…
Người ở xa, lâu ngày chẳng phải thèm bắp ngô mà thực muốn quay về. Cái lý của họ là thích ngồi quanh bếp lửa nồng sáng trong vị khói thơm lừng, là cái thú được thò tay vào nồi ngô đang nóng đã gần chín, mà chẳng cần đợi nhấc xuống. Quả, đó mới là cách thưởng thức thú vị nhất, ngon nhất. Ngồm ngoàm vừa xuýt xoa thổi phù phù, vừa cắn vào những hạt bắp dẻo căng tròn thôi là cũng đã có nhiều điều để họ nhớ, họ thương lắm rồi…