Linh tinh

Đôi khi thấy mình quá bướng bỉnh - lì lợm - ngang tàng - nhưng lại hơi ngơ ngác. Cứ ngỡ mình mạnh mẽ lắm...

31/3/10

Nhớ Trịnh Công Sơn ngày 1/4


chợt tôi thấy thiên thu là một đường không bến bờ
Những con đường trăng tròn là những con đường trăng khuyết. Vẫn là những con đường cũ en đi qua và tôi đi qua. Thế rồi, có những lúc tôi đi qua những con đường mù mịt không trăng. Những tro tàn quá khứ bỗng dậy lên một cơn lốc cuốn tôi về với những con đường ma quái ảo ảnh chập chờn.
Cái chập chờn của một thân thể phiền não không biết mai nay mốt nọ ra sao, cứ thắc thỏm muốn gởi gắm vào cuộc đời một linh hồn phiêu lạc. Tôi phiêu lạc bao nhiêu năm rồi trên một dòng đời không bờ bến. Có khi tưởng bờ là bến. Có khi tưởng bến là bờ. Cái tạm và cái thường hằng lắm khi là một. Thế mà cứ lại là khác nhau. Cái bờ mỏng manh khoảnh khắc ra đi. Cái bến nhiều khi bền bền ở lại. Bờ mở ra những bến. Có dâu bể cho bờ. Nên định mệnh bờ thường trói buộc thân phận bến.
Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại
Con đò ghé qua bờ này bờ nọ, nhưng sẽ đậu lại ở một bến kia.
Mùa xuân là bờ hay bến? than ôi, mùa xuân chỉ là bờ. Ai ai trong đời này cũng có lần ghé qua cái bến tạm mùa xuân. Cái bờ bến mùa xuân nhập nhằng những dặm trường lận đận. Thoắt nhiên bến xuân chỉ còn lại là bờ. Cái biến đi qua, rồi cái bờ ở lại. Cái bến hiu hắt của một thuở tưởng rằng thời hoàng kim bến sẽ mãi mãi không bao giờ là bờ. Thế rồi tuổi đời người người -đến đến – đi đi cứ mộng vờ, hoang tưởng hão huyền một thứ bờ bờ - bến bến, không biết nơi nào để neo lại một thân thể phiêu bồng.
Có thể bến cho em và bờ cho tôi. Tôi cứ mãi đi và em ở lại. Cái thân phận thuyền quyên ấy đừng làm đau xót đời. Cuối cùng, trong cõi mông lung mờ mờ ảo ảo, em vẫn chính là cái bến hư ảo một cách vẹn toàn mà tôi có lúc mỏi mệt sẽ tìm về nương tựa.
“ Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than”…
Cái bờ ru lời hiu quạnh lau lách. Cái bến ru chập chờn một đốm lửa chiều…

Trong một giấc ngủ bồng bềnh không giờ giấc của mùa xuân, tôi thảng thối thấy bờ bến bỗng rã tan thành những cánh bèo mông lung vô định. Em tôi không bến và tôi không bờ. Em trôi đi và tôi cũng trôi đi. Em và tôi cũng là bến. Em và tôi cũng là bờ. Chúng ta tan biến vào nhau thành một khối bến bờ không còn chia lìa nữa. Trong em không còn trí nhớ về bến. Trong tôi cũng mất hết những ký ức về bờ. Bến ở đâu và bờ ở đâu?


Khuôn mặt người nghệ sĩ gắn với duyên nghiệp trần thế, kiếm tìm những điều gì đó tưởng chừng hư không nhưng lại đủ đầy trong đôi mắt cảm thấu được tất cả hai chữ "thân phận" của một đời người.
Chân dung này, liệu có còn là hình ảnh dễ bắt gặp chăng giữa dòng người xô bồ đông đúc nơi phố phường nào đó. Ai nghe Trịnh, đôi khi nhìn thấy chính bản thân mình nơi đó. Ủi an đôi chút linh hồn của phần người luôn phải dò tìm những bước đi.
Cần, và không. Trịnh vẫn sống mãi trong những không gian xa vắng nơi góc quán nào đó ở giữa đất Huế này trong những cái tên còn lưu dấu: Địa Đàng, Thiên Thai...

HOA CÁNH MỎNG



Tôi thấy mình lạc giữa một rừng hoa cánh mỏng. Chúng nghiêng nghiêng và đong đưa qua lại óng ánh lên dưới mặt trời khoe sắc nắng. Chỉ có mỗi hai màu: cánh sen và màu đỏ gạch. Có lẽ chưa ai gọi nó là “hoa cánh mỏng” … Tôi thích nó, mê nó và say sưa ngắm nhìn rồi mặc cho trí tưởng tượng của mình bay bổng. Thỉnh thoảng, vài cánh hồng rơi lả tả, nhiều dần lên, phủ rợp trời cả rừng hoa và gió, và cả chính tôi. Chúng thích tách thành từng cánh ra rồi bay, bay dạt hết nơi này đến nơi khác hơn là ưỡn ẹo trên cây non mỏng manh thưa lá. Cả thế giới này, chắc chưa ai phát hiện ra loài hoa cánh mỏng và đặt cho nó cái tên kì lạ đến vậy. Làm sao tìm thấy khi nó không tồn tại trên mặt đất? và cả cái bầu trời tự do thật sự rộng rãi nhường bao ngoài kia? Vậy mà tôi vẫn nhìn thấy nó. Đặt tên cho nó, lại còn nhảy nhót linh tinh trong khu rừng ấy nữa.

Nó lạ,… bởi nhìn nó, thoạt đầu ai cũng dễ dàng cảm mến. Tôi đoán vậy, hay cũng có thể đó là cảm quan riêng của tôi chăng? Màu sắc của nó tươi non lắm, tuơi non đến lạ kì. Cái màu của sự mơn mởn của trái đào tiên nơi thiên đường. Còn cái tên thì lạ lẫm bé xíu xiu. Tưởng chừng, chỉ cần cơn gió nhẹ thổi qua cũng làm nó bay tung trong không gian dàn trải không có đất, không có mây trời, cũng chẳng có bướm ong vờn vẫy xung quanh.


Mấy bông màu cánh sen, cứ hồng hồng rồi lại phơn phớt trắng điểm tô ngay bầu nhụy vàng tươm mật ong. Có một vài cánh lúc xòe ra tươi cười; lúc nũng nịu, làm dáng co lại hình lòng chảo như đôi tay nhỏ chụm thành năm cánh hoa để hứng ánh nắng mặt trời.


Nhìn những cánh màu hồng đào nọ rơi rơi, bay bay, tôi cũng ngơ ngác đưa tay ra đỡ lấy, cốt sao không để nó phải chạm mình xuống đất. Nhưng quy luật của cái gọi là thế giới tự nhiên đó, sinh là diệt mà sớm nở lại mau tàn… Bất giác tôi đưa tay ôm chặt lấy vòm ngực mình, chỉ thấy hơi thở sao cứ hắt ra từng cơn một, tìm kiếm lấy chút ít khí trời mát dịu. Có phải vì là “hoa cánh mỏng” mà chúng vẫn còn bay tung tăng liệng qua chao lại trong gió, tựa như đoàn vũ công duyên dáng của thiên nhiên, mà quên cả việc chúng phải trở về với đất, rồi vùi lấp dần đi? rồi khô cằn xác mục?…

Bên cạnh những cô nàng hồng phớt điệu đà đó, thì mấy bông màu đỏ gạch cũng chen chúc đủ đầy giữa rừng hoa nọ. Nhưng, chúng lặng im: không cười, không nhảy nhót… Chỉ thấy chừng như cứ một cánh màu hồng rơi xuống lại có đến bốn, năm bông màu đỏ gạch vây lấy xung quanh, bện thành một bàn tay cứng cáp trìu mến ấp ôm đám hoa “trẻ con” ấy. Có lúc thấy chúng quây tụ thành cái vòng nguyệt quế hay như một vành đai cứng rắn - tỏa sáng. Bỗng phát hiện ra, bên trong cái dung dị đời thường là ngôi sao chỉ đường dẫn lối yêu thương…

Tôi không biết giữa ánh đèn bàng bạc nọ, những bông hoa cánh mỏng có tròn say giấc mộng?…Cuộc sống vẫn bàng bạc, se thắt những ngày cuối đông này. Bước chân ra đường, thường ít khi người ta nhìn thấy quanh quất bên mình những điều kì diệu, như mấy bông hoa cánh mỏng màu trắng phe phẩy trong nắng, sau những rặng cỏ dài xanh mướt….

30/3/10

Lullaby


Tôi không khóc, sao nước mắt cứ mãi cứa sâu vào trái tim đầy những vết ám ố vàng cả ký ức của tuổi thơ. Đã bao lần, tôi quăng đại một cái gai nhọn xuống lòng sông đen ngòm trong đêm tối kia để thử xóa nhòa đi những giọt nước đục ngầu đang chảy trôi như những váng dầu loang loang trên mặt sóng lăn tăn.

Vậy mà sao khó quá? Ký ức và quá khứ dường như đã trở thành một vệt máu khô không tẩy rửa đi được, cứ hiện lên trong ảo ảnh, trong cả những giấc mơ…Tưởng chừng gió có thể thổi bay đi những phiền lụy trên đời, mà cả cõi hỗn độn trong tôi chỉ càng thêm cồn cào, xa xót. Ngày, tìm kiếm cho mình những yêu thương. Đêm, lắng lòng nghe nước mắt cứ rớt rơi giữa những giấc ngủ không an nhiên…Mà, tự bao giờ tôi biết nghe ngóng, tôi biết hát ca, tôi biết nhìn ngắm trần gian thôi đã thấy mình tung tăng với những nghĩ suy và nước mắt. Thuở bé ư? Tôi tự biến mình thành quả cầu gai nhọn hoắt, lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng cấu xé, châm chích mọi thứ xung quanh, và cho đến bây giờ vẫn thế. Nhưng, tôi là một cái gai có trái tim… Tôi đã tìm thấy mình trong trái tim mình và trong sự yêu thương của những mảnh duyên đời hội ngộ. Qủa cầu gai biết yêu? Đôi khi cảm giác quá lạ lẫm với chính mình, phải chăng chỉ vì đó là những chiếc gai có trái tim hay không? Càng vươn dài hoắt nhọn với đời bao nhiêu lại càng đau nhiều hơn bấy nhiêu…

Lẽ yêu thương trên đôi gót mà ngày ngày tôi vẫn đi luôn không thôi khao khát, không thôi kiếm tìm, không thôi khóc than…Nín lặng lại, thấy nước mắt vẫn cứ thế tuôn dòng, muốn cạn khô để vị mặn của sông sâu đọng thành hạt mà cay xè, đỏ au như say máu. Có khi nào đó, chỉ muốn gào lên, thét lên thật to giữa cái không thời gian này. Quay về với giấc mơ ấu thơ lại thấy đắng chát, nghẹn ngào…những tưởng mình đang ngập chìm trong dòng nước mênh mông, trắng xóa không biết nơi đâu mới là bến đỗ để buộc dây, neo thuyền? Biết rằng, khúc hát ru bình yên của Lullaby không thể dành cho mình nụ cười, sao vẫn cứ muốn được đắm chìm sâu thật sâu trong lòng sông, lòng đất đến hòa tan.

Những chiếc gai của tôi vẫn ngày ngày đâm ra tua tủa như vòi bạch tuộc thôi, gai của sự sống, của tình yêu, của đớn đau và nước mắt. Tôi đem cái gai ấy ra để yêu, để bảo vệ bản thân mình, để cả làm cho những người xung quanh mình chạm tay vào chỉ thấy máu. Có phải trái tim tôi nhiều nhiều quá những vệt cắt xén của đời đã gột tôi thành cát trắng sa mạc, lung bung với nỗi cô quạnh nơi nhân thế, rồi kiếm tìm, rồi bỏ rơi, rồi ra đi như những cơn gió hanh khô đã biến thành bão thổi hắt, thổi tung tất cả những yêu thương quanh mình. Rồi, chỉ còn lại một tôi thôi giữa miên man đất trời đây. Tim ơi, sao đau…những giọt nước cứ rỉ ra từ lòng bàn tay làm cơn co thắt bên ngực trái cứ nghiến ngấu cả thân xác. Mẹ ơi, sao lại cho con ra đời? Sao lại cho con cả một trái tim chất chứa ưu tư như thế này hở mẹ? Mà không đâu, tôi - đời đã cho tôi đôi gót phong trần, tôi phải đi cho hết mặt đất này, tôi phải đi qua cả những cây cầu đã mục ruỗng rồi mới đến được với những dải mây bảy sắc bắc ngang con sông của bầu trời, của vũ trụ thênh thang. Những giai điệu của ngôi sao đỏ cứ tung tăng trong trí não tôi vừa lung linh huyền ảo, vừa nín lặng nhói buốt…Lullaby luôn là khúc ru quẩn quanh với một màu sương bàng bạc rủ rề tan sâu mãi, mãi mãi…Rồi mây sẽ bay, mưa sẽ rơi xuống lòng sông quằn đau vì gánh tình, gánh đời nặng trĩu…

28/3/10

Ngày xưa ơi…


Dẫu chỉ một lần thôi, dừng chân đứng lại nơi góc đường lặng lẽ nào đó. Nghe một chút âm thanh rơi rơi từ chiếc đàn trong bãi cỏ công viên với những ánh nến lập loè, và nụ cười rộn ràng gieo khắp sân trường. Không xao xuyến, cũng xót xa đến cháy lòng một thời hoa đỏ. Tôi lại muốn quẩn quanh với những tháng ngày cúp học lang thang ngắt chùm hoa bằng lăng cao tít, hay rong ruổi trên mấy con đường vàng hoa điệp. Có ai không nhớ? Có ai không thương? Có ai chẳng vấn vương, tơ tưởng khi áo cơm đè nặng cả những linh hồn khát bỏng đam mê?

Bâng khuâng nhành lan trắng, một chiếc xe đạp lòng vòng quanh những con đường ngập đầy hoa sữa. Bấy nhiêu hay cả trời mây tan hoà vào một câu hát đời sinh viên… ngày mai khi đứng trên bục giảng này, khi đôi mắt phải lo âu cuộc sống mới thấy nước mắt chợt chảy dòng: Gía như giờ này còn chạy loăng quăng giữa phố, giá như giờ này còn ngất nga ngất ngưởng bên men rượu nồng nồng với đám bạn chí cốt để cụng li, để đăm chiêu vài ba cái chuyện đời trong gió, trong mưa.

Nghe tiếng gõ ghita náo nức, nghe sáo thổi đâu đây mấy điệu buồn hoa phượng, nghe tiếng kèn Acmonica cũng réo rắt giữa sân kí túc khi trăng kề môi cất hát với lòng người.

Tôi lại thấy tôi chỉ một mình lãng đãng đi tìm thêm một tôi khác đi cùng. Nhưng, rồi mãi vẫn mơ màng mỗi con sông lấp lánh đèn màu in bóng dáng riêng tôi. Ngày đó, nụ cười tôi như nụ hoa không nở. Gắng ngắm nghía mấy đám mây trời xa thẳm, thèm một đôi tay, một vòng ôm hơi thở chở che cho hồn tôi yếu đuối. Có lỗi chi đâu khi tôi muốn được yêu bằng một trái tim khao khát, bằng cả những cảm giác thực của thân thể mình. Khi tôi bay cao trên những tầng mây thấy men cà phê cay cay nơi mắt. Lạ lùng như cơn gió trái mùa thổi giữa đêm khuya. Nỗi cô độc rơi rớt trong thinh không. Chẳng dám mong một đôi bàn tay tươi cười đón bắt tôi từ trên kia xa tít. Dẫu biết người ta cũng lặng lẽ nơi góc phòng với ánh đèn miệt mài gắng khuất lấp những yêu thương.

Mấy mùa mưa qua, mấy mùa nắng lại. Góc đường tím ngắt bằng lăng hôm nào nay vắng bóng những vòng xe quen thuộc, vắng cả một bóng tôi lạnh tê buốt thui thủi bước khi ngày tàn. Có vài bận được người ta cho đi nhờ xe chỉ dám ngập ngừng lặng im cho hết quãng đường.

Sáng, chiều lên lớp, thấy mình lạc lõng giữa đám người tẻ nhạt. Hay chỉ vì tôi tự làm khổ thân tôi, tự cho rằng mình chỉ là riêng là thứ nhất? Hỏi người ta có bao giờ nhớ con bé loắt choắt ngăm ngăm đôi mắt buồn hư không ngó theo mỗi lần đến lớp? …

Tháng năm của Huế, phượng đã nghiêng nghiêng hoài một sắc đỏ che bóng rợp chân cầu Trường Tiền, làm con sông Hương xanh lơ màu trời cũng hoe hoe pha loãng chút gió miên man. Lững thững bước ven bờ lại nao nao thương thương nhớ nhớ. Sao trong tôi nhiều nỗi u hoài quá đỗi? Sao những gương mặt bạn bè tôi xa mờ thẳm tận trời nao? Chị gái tóc dài có đôi mắt thu, chân đi hài cỏ như thần bằng lăng cổ tích. Hay một thằng bạn mắt mộng gửi hồn nơi sông nước, rèm mi con trai sao buồn níu cả những vòng khói thuốc bay bay trong tách cà phê mỗi chiều rủ bóng? Tôi bắt gặp cả muôn hình vạn trạng những con người, những chiếc lá vàng thao thức chẳng còn lả lướt bay nhảy giữa trời mà vùi sâu nơi góc đường đợi đám lá khác rớt xuống , đợi cho hết tháng ngày nổi trôi để được về cội, để được tái sinh trong một mùa đâm chồi nẩy lộc khi hết một mùa đông. Chỉ vì họ cũng là những con người như mỗi ai khác giữa cõi đời này, hay tôi và họ được thượng đế ban cho một sứ mệnh khám phá những gì thẳm sâu nhất trong linh hồn trời đất?

Tôi lại nghe “từ độ ấy nắng không vàng nữa, em đi xa rụng vỡ tiếng câu cười” của bạn. Tôi lại nghe “hồn chiều gõ nhịp khúc mưa… thấy trống vắng và rất thèm được khóc”… sao lắm lắm những niềm nhớ thương ngày hai buổi đến trường tung tăng với ngăn ngắt đong đầy trong đáy tim?

Giờ, ngày ngày tôi vẫn đến trường. Nhưng, để rao giảng khúc hát dìu dắt học trò chứ chẳng còn để nghe. Giờ, ngày ngày tôi vẫn hai buổi đến lớp. Nhưng, để đứng từ một góc bàn mà ngắm nhìn qua song sắt ra ngoài bên trời kia có những gì? Một đám mây trắng xanh bay bay, một cánh hoa lung linh sắc nắng chớm chớm cái lạnh của mùa mưa Tây Nguyên; hay một đám bướm vàng lượn lờ tung tẩy?… mắt buồn mong được oà khóc, mong được tìm thấy cho mình dẫu chỉ là một phút giây ngồi hát ca với ghita gõ nhịp khúc mưa…

Xa lắm rồi rong ruổi tháng ngày trôi. Xa lắm rồi, cục đất lăn tròn thành viên bi long lanh đủ sắc. Hẹn hò cho qua tuổi áo cơm sẽ sống lại với nắng mưa, khóc cười để khi về với cát bụi thấy mình đã đi đủ, đi trọn một chân trời tinh khôi…

25/3/10

Bất chợt



Bất chợt mưa. Bất chợt nắng...
Bất chợt không nắng cũng không mưa. Bất chợt, bởi Huế thích những gì là nắng là mưa... thất thường. Khi cuối tháng ba, mưa lưa thưa vô lối. Cái nắng đầu hè, cũng bất chợt tan biến trên những con đường không còn bụi bặm. Người, vẫn qua lại hối hả. Xe chạy nhanh hơn. Cuộc sống, nhịp sống và mọi thứ hình như cũng bất chợt và bất ngờ. Người Huế cũng vậy. Lắm lúc sáng nắng, chiều mưa. Trong sâu lắng của Huế xưa, nay chỉ còn là chiếc bóng một thời quá vãng. Nhưng, sao vẫn đăm đắm cơn mưa chiều đổ vội, cơn mưa dầm đến hết cả đêm? Sao vẫn còn nghe những điệu buồn xao xác.

Bất chợt nắng, rồi mưa... nhưng, cũng có cả bất chợt của những tình cờ, hay dại khờ ngơ ngác. Tôi không còn nhớ nữa, có bao nhiêu cái nỗi niềm bất chợt như thế nơi đất Huế? chỉ thấy hình như, lòng mình đang ngày càng lắng lại. Cái chất ngông nghênh, ngạo nghễ của đứa con gái Tây Nguyên tạm thời không nổi loạn nữa. Lặng im. Nhưng, mỏi mòn...

Những bất chợt của tháng ngày xưa biến thành đám mây rong rêu màu nước. Chúng trôi nghênh ngang giữa bầu trời và trút xuống trên những con đường có nắng, gió, có sự chao chát của nỗi vất vả ngược xuôi...

Học hành, chữ nghĩa sao quá xa xôi? Bằng cấp, danh vị ôi đáng trọng... Mà, áo cơm - gạo tiền treo nghiêng thành "nỗi nhớ" không thể nào nguôi...

Nếu có ai hỏi tôi:"Yêu thương trên đời này là gì?" - Xin hãy ngẫm nghĩ, Tình yêu và tình thương cái nào mang cấp số lớn hơn?
Đôi khi, người ta phải hi sinh cái tôi của mình để có được những điều chắc chắn. Nhưng, cái bất chợt như nắng - như mưa kia lại là sự quẩn quanh rối rắm. Thôi thì, xin những bất chợt lúc này, giữ yên đôi chút bao nhiêu khờ dại - yêu thương. Xin những bất chợt của trái tim biến thành sự sẻ chia với nhiều hơn nữa một linh hồn...

24/3/10

Vu vơ thương thương...



Vẫn thích đi loăng quăng giữa đời cho mệt nhoài, rã cả đôi chân. Hai mươi mấy tuổi, tôi vẫn thấy mình còn "quá bé bỏng" ngây ngô. Chẳng hiểu được những thứ quẩn quanh rắc rối. Chẳng hiểu được thị phi bên ngoài cánh cửa phòng trọ. Bỗng dưng thấy sợ bị tổn thương, sợ cả việc phải đón nhận tình cảm. Lại quen với cái kiểu gồng người lên làm ra vẻ ta đây rất mạnh mẽ. Giống như một chú nhím luôn luôn xù lông lên đầy khiêu khích, để tự bảo vệ bản thân mình.

Mỗi ngày đi qua, tôi gồng đôi chân lên để bước, để kiếm tìm một điều gì đó thật sự ý nghĩa. Không khóc nhiều như xưa, không sầu khổ đếm đong từng giọt nước mắt nữa, nhưng sao đôi khi thấy môi mình mặn đắng...

Vu vơ một tí, phải chăng cũng là cách để mình thả lỏng tâm hồn, thả lỏng mọi thứ, buông trôi miên miết vào đời, vào những con đường đầy ắp xe cộ, ngợp ngụa người kia?

Thấy thương thương những con người trẻ tuổi, cứ mãi bon chen với cái tính phiêu lãng giang hồ, để rồi quẩn quanh một mình trong căn phòng trọ nhỏ bé.

Vu vơ đi ngoài phố mỗi ngày, trưa - chiều với bữa cơm bụi nhạt thếch, nóng bức giữa mùa hè.
Chỉ là vu vơ thôi, nhìn thấy những tháng ngày trôi, lòng khát khao đếm đong giây phút được òa về nhà với cha - mẹ, em út; được nhìn thấy khói bếp um lên ở phía có đôi bàn tay ai đó ấm áp, yêu thương từ thuở bé thơ...
Chỉ là một chút nhớ mong nho nhỏ...
Yêu thương cũng nhọc nhằn như chính cuộc đời này vậy...

23/3/10

Một...



Một con đường ban sáng ven sông, không người qua lại. Gió ít ỏi thôi, vài cơn khe khẽ tạt ngang mái tóc. Tôi luẩn quẩn với những bước chân. Quên mất mình là ai giữa muôn người. Lâu lắm rồi, tôi quẳng cái thói thích đi lang thang ấy. Không vội vã, không ồn ào. Nhưng, giờ không thể là ngày xưa. Cái thuở, còn biết thẩn thờ với mây và gió.


Huế, buổi sáng mùa hè - hiếm lắm những giọt mưa nồng nàn ẩm ướt. Chỉ có nắng, chỉ có những hàng cây hoe hoe đỏ trên cao. Dưới bàn chân mình có một ít đá sỏi. Cũng chẳng còn thói quen hất tung từng viên, khi chỉ có một mình. Đôi khi, cứ ngỡ mọi thứ đang đầy ắp, rồi lại tan thành bọt nước lúc nào chẳng hay.

Một ngày, bắt đầu...
Một thôi, mình tôi giữa muôn người...
Một thôi, con đường bé nhỏ lọt thỏm giữa lòng thành phố.
Một... và một ... giữa cả thế giới quay cuồng khi tất cả lại hối hả như thường ngày vẫn thế. Tất tả với áo cơm, thương cho những ai đang phải bươn chải với đời.

Và tôi, chỉ một ... cho chút ít phút giây bình an lúc này. Một ngày đủ để thảnh thơi, làm li cà phê buổi sáng. Ngắm dòng người qua lại. Ngắm phố phường sầm uất.

Nắng lên, đôi khi thấy nó chói gắt. Nhưng, có lúc... nắng mang biết bao nhiêu vất vả của muôn người...

21/3/10

Chủ nhật


Tự thưởng cho mình một ngày cuối tuần...
Bạn hay ai đó trong khắp đất nước này đang xô bồ, bận bịu với nhịp sống hàng ngày chăng? Kể cả những chiều thứ bảy, và ngày chủ nhật - người ta cũng phải tranh thủ gọi là "chạy sô" để kiếm thêm chút đỉnh?


Không, tốt nhất chúng ta hãy biết cách điều hòa sức khỏe công việc - đời sống tinh thần, và đôi khi cũng nên cho mình một khoảng thời gian để xả xì trét।
Cuối tuần, đám bạn rủ ra ngoại thành câu cá. Xe cứ bon bon chạy trên những con đường bê tông, còn rải rác ít đá sỏi। Địa điểm đến là "làng câu cá" có cái tên cũng rất "Chân quê", nằm về phía nhà máy bia Huda Huế। Khách cũng khá đông। Hầu hết các lều câu đều có người đặt chỗ। Thú vị hơn - thức ăn ở đây vừa ngon - rẻ - lại tha hồ "giăng lưới bắt chim" । hì।

Câu cá, "nhậu nhẹt- chè chén" say sưa, hoặc bốn, năm đứa ngồi lại "sát phạt" nhau bằng bộ bài tam cúc, hay tiến lên। Tá lả một chút xíu, cuời hở mười cái răng một chút xíu, vậy mà thấy khỏe khoắn, thư thái cả đầu óc lẫn gan ruột।

Ngày thứ hai, lại bắt đầu quay về với cái guồng quen thuộc, công việc ngập tràn, biết बो nhiêu mối quan hệ, đối nhân xử thế ra sao, cũng nhọc nhằn lắm chứ। Vậy tại sao, ta lại để ngày cuối tuần cũng trở nên mất hết giá trị như thế nhỉ? Nào, hãy đi đâu đó, hãy refresh lại mình cho một tuần làm việc mới, đầy hiệu quả hơn nhé.

19/3/10

Vị đắng



Một người bạn của tôi, có sở thích uống cà phê rất riêng. Mỗi bận vào quán, anh ta đều gọi cho mình một li cà phê bỏ muối. Thật ra, tôi không lấy lạ... Có điều chưa bao giờ tôi thử. Cái vị đăng đắng quen thuộc, và một ít sữa béo ngậy cũng đủ làm tôi hài lòng trong một góc nhỏ nào đó, ngày cuối tuần. Quên đi những nhọc nhằn hàng ngày, lắng nghe một vài giai điệu nhẹ thênh thênh. Cần gì nhiều nhặn lắm? Anh bạn ấy thích một chút muối cho li đen của mình thêm mặn mà. Hay đề cho cuộc đời nặng nhọc hơn trong linh hồn mình? Đi qua nhiều những khúc quanh co trên con đường hàng ngày, bỗng tất cả đối với tôi trở thành một thói quen. Có lúc tôi không hài lòng với thói quen và sự nhàm chán nọ. Nhưng, có lúc tôi phải chấp nhận nó một cách bình thản với ý nghĩ: "Mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp...". vị đắng của li cà phê cũng trở thành thói quen không thể thiếu của tôi. Trong đó, có một chút cá tính, một chút nắng gió của mảnh đất mà tôi sinh ra.


Mỗi ngày đi qua, khi bước những bước chân dẫu gập ghềnh hay bằng phẳng. Tôi vẫn có cảm giác hết sức thú vị. Đó là tất cả cái không gian sống mà thượng đế đã trao ban cho con người. Tại sao ta phải nhăn nhó, khó chịu khi trời hơi nắng gắt, khi mưa hơi dầm dề? Tôi thích mỉm cười hơn. Tại sao ta phải đắn đo, lo lắng khi những ngày cuối tháng đến. Đời GV nghèo thật, nhưng mỗi lần ngắm nhìn đám học trò tung tăng hồn nhiên trên lớp, tôi thấy mình trẻ ra bao nhiêu tuổi. Li cà phê cóc hàng ngày cũng trở thành những khoảnh khắc đầy ý nghĩa, khi chúng ta được ngồi bên một góc đường nào đó và lắng nghe cuộc sống trôi chảy miên man.

Tôi chưa thấy một trái tim nào tự cho mình là khô cằn, sỏi đá. Có lẽ, vì bộn bề cơm áo - con người tạm thời lãng quên đi sự yếu đuối của chính mình. Vị đắng hôm nay, nhưng lại là sự ngọt ngào cho cả tương lai phía trước...

Một ngày mới


Sáng nay, Huế ươm màu nắng trong vài cơn gió mát. Chỉ đủ se se cho da thịt thêm thắm nồng. Một góc cà phê nho nhỏ, một vài giai điệu Trịnh ngân nga trong mỗi khúc hát của Khánh Ly cũng khiến cho ai ai đó giữa muôn vạn người, tìm được chính mình đôi phút. Thảnh thơi một chút với những bộn bề áo, cơm - thị phi - tầm thường. Không nhiều mơ mộng lắm như cái thuở ngây thơ xưa kia nữa. Cất hết rồi, nhưng lắm lúc lại muốn lôi nó ra ngắm nghía, nghĩ ngợi. Vòng tròn, nó cũng tương tự như thế. "Cơm nguội" hiu hiu ru vỗ bằng những cảnh quen thuộc hàng ngày của người qua - kẻ lại. Tiếng trò chuyện, những khuôn mặt thanh tú, sáng sủa. Phải chăng, đây mới chíh là cuộc sống? Thỉnh thoảng có vài ba người bán vé số dạo loay hoay chào mời. Có thể được vài ba tấm, có thể không. Nhìn họ tôi chợt nghĩ, cái tuổi này lẽ ra những con người ở ngưỡng sáu mươi năm cuộc đời ấy, đáng phải được an dưỡng bên con cháu...
Có lẽ là cuộc sống...

Có lẽ người ta vẫn cần phải tồn tại, nên phải cần mẫn tiếp tục cái nợ làm người.
Đem chút nắng ấm áp buổi sáng này ra sẻ chia với họ. Tôi vẫn thấy lòng mình nhẹ nhõm vô cùng. Ít ra mình không quá đỗi vô tâm...
Đám học trò "lì lợm" chẳng khác gì mình ngày xưa cứ mãi loay hoay trong lớp học. Đôi khi thấy chúng đáng yêu lạ. Nhưng, lắm lúc cũng "ngại ngùng" lắm khi phải viết lên bảng hai chữ "Keep silent"...Hình như mình đâu khác gì chúng cái thời áo trắng xa xôi...

18/3/10

Cún xinh xinh...



Ngày tôi cắp hành lí lên đường “phiêu bạt” thì mấy chú nhóc cũng vừa mới chào đời được vài bữa. Tủm tỉm, yếu ớt, mè nheo bên mẹ Cún. Mỗi lần quay về, nơi đầu tiên tôi sà vào là "ngôi nhà bé tẹo" của bốn đứa nó. Một hoàng tử và ba nàng công chúa. Trời, dù sao mẹ Cún vẫn may mắn hơn gia đình mình...
Chúng béo múp míp, Thằng anh đầu tiên cũng là hoàng tử duy nhất mập ú ụ. Hai mắt híp lại, lông xù lên. Mới bé tí đã háu ăn lắm. Hễ mỗi lần lăn xả vào măm sữa nó chẳng thèm nhường mấy nàng. Cu chàng cứ thế mà xông vào giành giật với các em. Mỗi mình cu là kẻ có nhiều vằn, nhiều khoang màu nâu nhất nên dường như cu chàng cũng lấy làm tự đắc cùng với vẻ đường bệ oai phong lẫm liệt của mình. Cu có cái tên cũng khá "hào hoa, phong nhã" chả kém ai: Big. Nghe cũng kêu ca ra phết đấy.
Ba nàng công chúa lông trắng, mỗi tên một đốm đen hoặc nâu nâu lại điểm màu khắp nơi để làm duyên. Nàng thứ hai cũng béo ục ịch gần ngang cơ hoàng tử anh, nên cô chủ chẳng ngại ngần phết lên cái mình của nàng một cái tên cho khéo cho vừa: Bo. Nhăm nhe ngắm nghía đi ngắm nghía lại cuối cùng cũng chỉ chọn lựa được hai nàng công chúa xinh xắn nhất, đỏm dáng nhất, vừa vặn chỉn chu về số đo cũng như cái phần duyên dáng. Kể ra không xướng tên hai nàng thật lớn trong mic cho bàn dân thiên hạ nghe, thì cũng thiệt thòi kém thua với anh chị chúng lắm lắm.
Cứ đến bữa là chúng kêu nhặng xị cả lên. Bọn thằng Big, con Bo tham ăn, chóng béo nhăng nhẳng đòi xơi bánh mật có nhân trứng. Còn hai cô công chúa út thì chỉ lúng liếng, ngúng nguẩy nghịch ngợm nhảy nhót lung tung. Khéo khéo có thấy bánh trên tay cô chủ, thì chúng lon ton chạy lại nhấm nháp mi vài ba miếng cho dĩnh mép chứ có tợp tạp đâu nào. Chúng được "đặc cách" bằng những cái tên còn kêu hơn nữa: Vic and Vip. Nghe cứ như pháo nổ bên tai vậy.
Nhìn cả bốn đứa cứ lon ton xếp hàng đòi măm thấy đến là dễ thương. Một ngày, phải tốn cho chúng đến sáu cái bánh Soliet. Coi bộ không ổn. Loại bánh thượng hạng đó có rẻ lắm đâu. Những một ngàn một cái...
Chiều này, cô chủ nhỏ chưa kịp bắc lấy nồi cơm lên bếp đã nghe chúng réo rắt đến inh cả óc. Chưa mang bánh ra, cả bốn cu chàng và các nàng đã nhoài hai chân trước đứng xếp hàng. Chẳng phải đợi xướng danh như mọi bữa: Big, Bo, Vic, Vip...Nhìn cả đám ngước mắt hau háu chăm chăm vào những chiếc bánh, nàng bỗng bật cười: " Tình yêu của thế gian này muôn hình vạn trạng quá. Những gì thuộc về thế giới tự nhiên với con người như một vầng trăng bạc ấm cúng". Tôi chợt nghĩ đến anh, nụ cười rạng ngời bằng cả một trái tim nhân hậu dành cho cả con người lẫn thiên nhiên cỏ cây, hoa lá. Mãi miên man với những dòng suy tư, tôi quên khuấy cả bọn cún bông xinh xắn. Vip quay mình lại tự cắn cái đuôi bé xíu xiu đang vẩy vẩy của mình. Nàng mỉm cười, chà " đám trẻ" này cũng đáo để thật. Chúng vẫn chỉ là "con nít"...
Tình yêu phải đâu chỉ có giữa con người với nhau. Lòng nhân hậu luôn luôn là ngọn đuốc sáng nhất trong tâm hồn chúng ta. Đám “nhóc” bé bỏng ấy, và biết bao nhiêu loài sinh vật khác nữa. Chúng cũng cần tồn tại, cần được bảo bọc chở che…

Nhân đọc bài viết "Vú em của những con chó tật nguyền" trên báo ttol (http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=363159&ChannelID=3). Bất giác, ai đó cũng phải thấy tim mình nao nao thương, cảm phục một tấm lòng nhân hậu như thế. Bên ngoài cuộc đời kia, bao nhiêu người sống trong cảnh sung túc - liệu có ai từng nghĩ đến những việc làm này?...
Thật ra chỉ là một vài dòng sẻ chia. Hi vọng sẽ có thật nhiều những tấm lòng như bà Vân trong bài viết ấy...

Em bé bán dạo


Có một lần tôi bước chân ra phố, nhìn dòng người qua lại xô bồ tấp nập với xe cộ, áo xống kiểu này, sắc màu nọ. Bỗng thấy một em bé độ chừng 8-10 tuổi, đang cắp trên tay chiếc rổ con con, có vài ba bịch đậu phộng rang. Thật khó cầm lòng, dẫu tôi cũng phải bươn chải với muôn ngàn khó nhọc trong cái sự áo cơm đó. Nhưng, tôi thấy lòng mình dịu lại, nhẹ nhàng hơn, đỡ mệt mỏi hơn khi mua giúp em bé những bịch đậu phộng còn lại trong rổ. Bộ quần áo của em lem nhem bạc phếch màu sương gió tuổi thơ. Nhớ ngày xưa của mình... hình như năm mới, thế kỉ mới, nhiều thứ mới... nhưng, vẫn còn những thứ "xưa cũ" chưa thể đổi thay được. Những em bé tuổi ăn,tuổi học vẫn chưa được đủ đầy trong áo cơm...
Tôi nhận ra đôi mắt của những em bé ấy có chút gì đó nửa hồn nhiên, lại chìm khuất lẫn những ưu tư khi đếm đong từng ngàn một trên tay mình. Phải chăng, khi chia sẻ điều gì đó với thế giới xung quanh cũng là cách để chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Đây là câu chuyện nhỏ tôi đã bắt gặp trên đường phố.
Phải chăng còn nhiều câu chuyện nhỏ như thế nữa trên cuộc đời này...