Linh tinh

Đôi khi thấy mình quá bướng bỉnh - lì lợm - ngang tàng - nhưng lại hơi ngơ ngác. Cứ ngỡ mình mạnh mẽ lắm...

29/5/10

Hãy sống như một bông hoa

Mọi sự khởi đầu khi hạt giống được gieo trên đất. Dù muốn dù không, bạn cũng có mặt trên đời. Rồi như hạt giống ngày càng lún sâu, bám chặt đất như nền tảng, hấp thụ tinh hoa; con người cũng cắm sâu trong cội nguồn, trong một không gian và thời gian nhất định, tiếp thu văn hóa và truyền thống, lớn lên với tất cả những gì thân quen bao bọc, đất không là đất lạ, đời cũng không xa lạ với người. 


 
Trong lòng đất hạt giống âm thầm mọc, từ tối tăm vươn ra ánh sáng, đẩy bao chướng ngại, bao gò bó chật hẹp để góp mặt với đời . Nó ngỡ ngàng khám phá ra thế giới chung quanh và bầu trời rộng lớn, thấy rõ tầm vóc bé nhỏ, yếu đuối và giới hạn của mình, nhưng vẫn tin tưởng vì có niềm hi vọng và sức sống bên trong, luôn luôn thôi thúc mình triển nở, cho tới ngày thành đạt khai hoa.

Cây trước lúc đơm hoa, còn chịu bao cắt tỉa đớn đau để nên hoàn thiện, nhận lãnh sự bổ sung của bao phân tro, nước tưới để vươn cao và đứng thẳng trong đời . Con người cũng vậy : nhờ giáo dục của gia đình, học đường và xã hội, cùng nỗ lực bản thân, bạn đã loại bỏ bao nết xấu, cắt tỉa bao cá tính gây phiền toái, chặt đi bao vướng bận thừa thãi, bao lo toan vụn vặt để sống thành toàn. Bạn cần cả những câu khen ngợi lẫn những lời phê bình chỉ trích đúng đắn để lớn lên, bạn cần gió lay để biết mình đang đứng vững và cố cắm sâu hơn trong đất sống, bạn cần ngày nắng để sống cứng cát và cũng cần đêm về để nghỉ ngơi lại sức. Bạn cần gia đình, bạn bè bên cạnh để nương tựa trong mưa gió cuộc đời . Vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, bạn đã là một bông hoa.

Bông hoa sống rất tự nhiên, nó mở lòng đón nhận tất cả : sương mai, ánh nắng, gió xuân, mưa lũ, và cả đêm đen; không tham lam, không kiểu cách, không phàn nàn, không hãi sợ. Với tất cả vẻ đẹp duyên dáng, bông hoa biết mình hiện diện là hiện diện cho đời. Người ta dùng hoa làm ngôn ngữ trong niềm vui cũng như trong nỗi buồn , nói lên tâm hồn , ý nghĩ :

Hoa hồng biểu tượng cho tình yêu, hoa huệ tượng trưng cho sự khiết tịnh, hoa sim tím nhắc đến lòng chung thuỷ….Nếu bạn sống như một bông hoa, bạn thật có ý nghĩa đối với người khác, đem lại niềm vui, sự an ủi, nâng đỡ người khác. Bông hoa thấy mình giá trị vì đã làm cho đời có giá trị : dấu chỉ tình yêu, tình thân thiện, nét thẩm mỹ…. Bông hoa nào còn muốn gì hơn ?
Cùng tươi nở trong một khu vườn, mỗi bông hoa có một vẻ đẹp, một hương thơm, nên không so sánh mình với những bông hoa khác : hoa hồng không ganh tị với màu vàng rực rỡ của hoa cúc, hoa dạ lý không khoe mình ngát thơm hơn hương của hoa quỳnh. Chúng dễ chung sống với nhau vì chấp nhận đứng bên cạnh nhau, vì biết mình có thể bổ túc cho nhau để vườn hoa là vườn hoa muôn sắc. Vườn hoa càng lớn, càng nhiều loại hoa, thì như càng đẹp và càng nhiều khách muốn ngắm nhìn. Kìa những hội hoa xuân với muôn hồng nghìn tía, bạn muốn là bông hoa lẻ loi một mình hay thấy cần phải dấn thân trong ngày lễ hội chung ?

Bông hoa nở rộ thật vô tư, chẳng bao giờ kênh kiệu khất lần, hay hờn dỗi để mãi khép kín. Rồi khi đã tươi nở, hoa không quan tâm đến việc được nâng niu, nhìn ngắm hay không. Và nhỡ ra có bị bóp nát, hoa vẫn toả hương thơm trên tay người đã vò xé mình. Bông hoa như không biết đến giận dữ, trả thù, cho dù có bị thiệt thòi cũng vẫn hành động theo hướng tích cực. Bạn cũng vậy, tôi không biết có bao nhiêu khinh thường đã làm bạn tủi hổ, bao nhiêu bất công mà bạn đã âm thầm gánh chịu, có bao nhiêu nước mắt bạn đã đổ ra trong đau khổ, có bao oan ức đắng cay mà bạn đã phải cắn chặt môi..Nhưng tôi có thể biết được sự hiện diện và tấm lòng quảng đại của bạn khi cảm được hương thơm . Dù sao, những vấp ngã đã làm bạn thêm vững bước, những mất mát làm bạn thêm quý những gì đang có, những đau buồn làm bạn thêm trân trọng giữ gìn niềm vui dù nhỏ bé nhất, những thử thách rèn bạn thêm kiên nghị, những xúc phạm dạy bạn tập tha thứ, những thù ghét mời gọi bạn sống yêu thương. Chẳng có gì làm khó được bạn giữa một cuộc đời đang cần những con người chân chính như bạn, những bông hoa dám sống để toả hương thơm cho người .
Đời người như hoa nở, kiếp hoa đôi khi thật giống kiếp người, một số kiếp không được đo bằng thời gian mà bằng giá trị sống. Bông hoa kia dù biết sẽ "sớm nở tối tàn "vẫn cứ ngang nhiên tươi nở, trao tặng vẻ đẹp và hương thơm, được ngần nào thì hay ngần nấy, với tất cả khả năng và sức lực của mình. Bạn cũng vậy, hãy cống hiến cho đời tất cả những gì bạn có với tấm lòng yêu thương. Trên đất sống của mình, hãy cho những người chung quanh những điều tốt đẹp nhất.
 
Cuộc sống sẽ dễ chịu biết bao khi có nhiều hoa đẹp tỏa hương thơm, khi có những người quyết sống như những bông hoa trong vườn hoa muôn sắc mầu của nhân loại, để trao ban cho thế giới những giá trị nhân bản huy hoàng.


Anet.vn 


P.s: Mình thấy bài viết này hay, có lẽ nó vừa phù hợp với "ý nghĩa cuộc sống" mà nó cũng vừa là một thông điệp tinh thần cho mọi người. Hi vọng giữa muôn nẻo đường đời chúng ta luôn vững bước trước mỗi khó khăn. Cuộc sống luôn có những cơ hội. Chỉ cần biết cách nắm bắt nó bằng niềm tin, bằng sự lạc quan của bản thân, thì sự thành công là điều dĩ nhiên...

26/5/10

KÍ ỨC TUỔI THƠ



Con sông oằn mình, trôi nghiêng nghiêng những cánh bèo xanh ngắt màu trời chiều rủ rỉ bóng tà. Tưởng cái nắng ráng của một ngày dịu lại cuối nẻo mờ xa, hoà lẫn sóng sánh làm con sông đổ sang sắc hồng hồng lừ lự đỏ. Hoá ra, cái đám bèo rêu lá to, lá nhỏ chúc chen ấy lại khuất lấp dần màu phù sa…

Quẩn quanh những mái ngói đỏ ối thơm mùi lửa rơm đang um nồi cơm trong gian bếp nhỏ thấp lè tè của những ngôi nhà ven sông ấm cúng, hiền lành quá đỗi. Khói cũng xam xám màu mây um lên, bay bay theo cơn gió cuối đông, đã vội chớm cái lạnh hây hây đầu xuân. Những chiếc lộc non xanh mơn mởn tựa trẻ sơ sinh, má còn bọng sữa, da mềm khe khẽ lúng liếng hít thở lấy cái sự sống và cả khí trời thanh bạch. Cái tên sông Châu có tự bao giờ? Thuở xa xưa lắm lắm. Nó vẫn ngày ngày lặng lẽ buông trôi miên miết, chảy quanh xóm làng đồng ruộng.
Sông gắn bó với tuổi thơ của đám chăn trâu, mò cua bắt ốc, lặn ngụp sớm chiều. Hết lớp trẻ này đến lớp trẻ khác, chúng cứ sinh ra rồi lớn lên, rồi lại phiêu bạt bốn phương trời xa thăm thẳm. Anh của em cũng từ nơi đó mà lớn lên, cũng ngày ngày lui cui nhặt từng bông lúa vàng tươm giữa đồng chiều cuống rạ. Những con đường đê xanh màu cỏ, hay nâu đỏ phù sa cũng vướng xíu từng gót chân học trò, cái thuở thơ ngây, hồn nhiên, lãng đãng sông mộng mơ, anh thênh thênh bước sau một tà áo dài nào đó, một cô bé mắt kính dịu dàng như “cánh buồm đỏ thắm - anh vẫn thường ấp ôm trong gió, dẫu chỉ một cái tên tự mình thốt gọi trong miền tim sâu thẳm: “Alixa”…
Hết tháng đợi, năm chờ. Sông vẫn bình lặng đưa đẩy những cánh bèo tung tăng hết góc này đến góc nọ. Có những con người tóc không còn xanh như bèo, mà đã hoá màu mây khói, màu sương muối sớm mùa đông lạnh giá. Có những chiếc áo nâu chẽn sờn sờn. Và cả những đuôi mắt ngày một đậm đà dấu chân chim. Có những nụ cười gió thổi bay bay giọt nước mắt sướng vui, khi anh, khi em, khi lứa trẻ chúng mình đang cất bước vào đời, để con sông kia tiếp ngày, tiếp tháng nuôi dưỡng linh hồn của những hạt lúa non đầu xuân, căng mọng sữa.
Nghe câu hát quan họ “Bèo dạt mây trôi” nơi tít tắp xa tận mỗi phương trời, bỗng nước mắt cũng tập tành, đua đòi thi nhau rỉ rả, thở than một nỗi nhớ đâu đó. Muốn lắm chứ, muốn ùa ào tung tẩy, nhảy phắt lên xe. Rồi đặt chân trên con đường làng chẳng còn khói bụi mịt mù, ồn ã của chốn thị thành mà hát ca vang từng góc lúa, dòng sông, cánh bèo và cả cái màu súng tím. Tuổi chăn trâu chỉ biết lang thang trên màu xanh của cánh đồng cỏ, đê làng, mặt sông mà lặn hụp cười toáng cùng chúng bạn. Còn cái tuổi học trò thuở trăng còn vành vạnh, lại ấp iu màu hồng hồng khi anh nhón tay ngắt một bông hoa súng tím ven đầm dành tặng cô bé duyên duyên nào đó chăng?
Bèo trên sông vẫn xanh lên theo từng đám, từng vạt ven ven bờ. Lại có một đám trẻ làng đang nhảy nhót, lặn hụp dưới sông - cười…
Anh quay về, khi tuổi xanh đã pha màu đỏ ối, anh dắt tay đưa em lần theo từng gót trần cát bụi, chỉ cho em thấy những cánh diều, những đàn cò trắng tung trời thả xuống dòng sông bao nhiêu ước mơ chắt chiu từ thuở bé.
Đi đi em, đi tiếp cùng anh qua những con đường làng. Sông vẫn bao bọc lấy từng nếp nhà sau làn khói mỏng tang…
Đi đi em, khi mùa xuân xứ Bắc đã bắt đầu hé nụ đào hồng, khi cái rét cắt da cắt thịt vội vàng lặn sâu vào tóc. Và đi-em đi, anh ngước mắt hé cười, thấy cánh đồng chiêm vụ đã xanh non màu mạ mới cấy…

19/5/10

Học trò cuối cấp



Nắng tháng năm nhập nhòe trong màu mắt biếc của đám học trò mỗi ngày đến lớp. Hình như không để học, không để lắng nghe những lời thầy cô giảng, không để chăm chú nắn nót qua từng nét chữ ô li trên trang vở nữa. Mỗi khoảnh khắc qua đi là những cái nhìn nuối tiếc yêu thương…
 Sao lúc này, mọi thứ đều trở nên ấm áp thế. Chẳng có giận hờn, chẳng còn ganh ghét. Chỉ là nỗi nhớ chưa gọi thành tên đã vội vàng khắc khoải trong tim. Này thì gốc phượng già, này thì cây bàng tán rộng, này thì những búp non mỗi độ xuân về của cây bằng lăng tím ngắt cuối sân trường. Ấy thế, khi chơm chớm cái nắng tháng tư vừa hết, đã thấy mưa nhòe trong sâu thẳm của tuổi học trò sắp thành kí ức. Ồ, chẳng là mưa ngâu cuối mùa, hay cơn mưa bất chợt mùa hè nữa. Nước mắt hoen hoen bờ mi cả cậu chàng thường ngày nghịch ngợm tếu táo nhất lớp. Nước mắt cô nàng cá sấu giờ bỗng hóa thành những đám mây có mấy lời ca tiếng hát ngọt ngào đang lan tỏa khắp sân trường mỗi giờ ra chơi….

Buổi lễ ra trường có nước mắt học trò rơi, buổi cuối chia li có đám mây xanh xanh vội ghé ngang bầu trời. Và mỗi góc lớp có một đôi chim nhỏ, đang kiếm tìm vài vết khắc chạm trên mặt bàn ngày ngày đến lớp.
 Có những thứ khi đã vội vàng vụt qua trong tíc tắc, người ta mới hiểu nó thật giá trị biết chừng nào. Ngày ngày đi qua con đường vàng nắng lá. Học trò cuối cấp bất chợt giật mình nao nao trong dạ. Ngày xưa, một thời tung tăng áo trắng. Ngày xưa, ta đã ép lấy cánh phượng hồng vào trang vở lem nhem màu mực tím tinh khôi…
Thương tặng tuổi học trò, một thời đã đi qua trong tâm hồn ai đó ngày xưa...

18/5/10

Lửa hát đêm rằm



Nơi bếp lửa bập bùng đêm tối, chỉ soi tỏ cái khuôn hồng sáng lập loè trên ánh mắt, mà sao vẫn thấy nơi đó có nụ cười toả rạng ngời ngời. Đôi ngọc tuyền đen  lấp láy reo vui theo phách gõ của tiếng ghita. Họ bắt đầu hát, hát say mê như chưa bao giờ được hát. Và họ hát thực thụ như những ngôi sao nơi ánh đèn sân khấu xa xôi kia. Bấy giờ tôi mới nhận ra rằng : Những con  người đen nhem nhẻm, sì sùi với quần cộc, áo thủng kia mới nghệ sĩ, mới đáng yêu làm sao. Ai bảo người sống trong buôn, trong làng này mù mịt tối tăm. Họ cũng hát hay đàn giỏi, cũng nhảy múa tưng bừng như ai ai ngoài đất hà thành xa hoa, sành điệu… Họ ngồi đó, quây quần bên một bếp lửa, một ché rượu cần còn mới toanh, chỉ vừa đổ một can nước lã vào cái ché ủ men bằng thóc gạo, phía trên có phủ vài lớp lá rừng. Xong, họ chỉ việc vít những chiếc cần nhỏ xíu làm bằng tre nứa rồi mời nhau từng chén. Mà một khi chủ trong nhà hoặc khách nâng ly mời thì kẻ nhận không được phép chối từ. Uống, uống đến khi say ngất ngư thì thôi… Lại sắp đến rằm tháng bảy, người kinh còn có hội này lễ kia, thì bà con trong các buôn làng ở đất quê chỉ hai mùa mưa nắng này lại có cái tục xum họp giao lưu dẫu chỉ quẩn quanh với ché rượu, đĩa thịt rừng mới săn cũng thú, cũng khá đậm đà vui vẻ lắm. Nghe họ cất tiếng hát vừa trong veo, vừa ấm áp giọng trầm trầm mà sâu lắng như chính họ đang mơ về cái gió, cái nắng và cả tiếng lửa hồng đang nổ tí tách kia mới thấy "tình" cũng hồng như lửa, cũng lên men như rượu cần đó thôi. Những chàng thanh niên của buôn làng, đã có khá nhiều sự đổi thay theo thời cuộc nhưng vẫn không thể lãng quên cái bản sắc đã ăn vào máu…vẫn là cái điệp khúc được cất lên sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi với nương đồi: "Ơi Răcklây yêu rừng xanh ngọn núi mang tiếng đàn chapi" và " ai yêu tự do thì lên núi nghe đàn Chapi…". Chẳng phải vô tình hay hữu ý mà người nhạc sĩ nào đó đã đề tên cho khúc hát để làng núi reo ca sớm chiều bên ánh lửa; để người người ở khắp tứ phương vẫn luôn hướng về quê hương mà cùng cất tiếng với yêu thương.
Thêm một chút nồng nàn của thóc lúa đã được ủ men, khuôn mặt đã hồng vì bếp lửa lại ngà ngà vì ít rượu Tây nguyên này, dường như buôn làng không uống mà lại cùng say vậy… Cái thứ rượu " tây" Việt uống vào chẳng có độ nồng, chỉ như nước lọc hàng ngày nhưng chẳng say liền, chẳng đỏ mặt liền như người mới tập hớp vài ngụm bia đã lè nhè, mà nó cứ ngấm ngầm say. Người không biết, cứ thả sức thả cửa mà uống lấy uống để. Nhưng khi về đến nhà mới biết: sao trời đất lại xoay tròn tròn thế này. Ồ hoá ra ta đang say đấy ư? Rượu và tiếng lửa hát làm ta say đấy ư? Trong đầu lại hồi tưởng, nhơ nhớ cái tiếng hát đầy nỗi đam mê như rút hết sinh lực từ trái tim. Những ánh mắt lấp láy đen tuyền chất phác lại cháy bùng nơi trí óc. Họ có thể thành thục tiếng phổ thông, có thể hát những giai điệu "chapi" như thế… nhưng, khi lồng ngực họ đã say cái men của người con núi rừng, thì thay vì âm tiết của tiếng Kinh là những tiếng hát thổ ngữ trầm lắng cất lên trong ánh lửa bập bùng. Nó cũng ngọt ngào như dòng suối Eahleo, cũng trong veo như thác núi Dray H'Linh vậy mà. Tôi bỗng nghe thánh thót niềm tự hào thênh thênh trong huyết quản, nơi tôi đã sinh ra. Đất Tây Nguyên như đang thay áo mới, đời sống văn hoá tinh thần của buôn làng cứ xập xình trong điệu xoang êm dịu, cứ đâm chồi nẩy lộc hàng ngày, hàng giờ… Nơi đây cũng đã sản sinh, nuôi lớn một người nhạc sĩ đã cho ra đời một khúc hát ru " đôi chân trần" để " đi tìm nữ thần mặt trời" trong cao xanh rừng thẳm, mà cất vang tiếng hát ấm nồng giai điệu của Tây Nguyên.
Mời nhau chén rượu đêm rằm. Và ngắm nghía những khuôn mặt say men đang hồng lên trong tiếng lửa mồi bằng củi khô của những ngày còn nắng, thấy mùa mưa của núi lại thêm phần đượm thắm hơn, không chỉ bởi cái cảm giác mà còn là âm vang của tiếng ghita trong lửa như đang cùng nhảy múa, reo vui…

17/5/10

Đuổi hình bắt bóng!



Ngoảnh đi nhìn lại, thấy tuổi xanh dần thu hẹp khoảng cách tựa một áng mây bay vèo qua trước mặt. Mới đó, còn lem nhem nước mắt và màu mực tím vấn vương trên áo, hay đầy tay. Thỉnh thoảng còn chúc chen vài ba chấm nho nhỏ làm duyên nơi má em bé bỏng. Chẳng thể kiếm tìm, nhưng lại cứ luẩn quẩn hoài mỗi khi chợt nhìn thấy màu áo trắng…
Tuổi thơ của em có những hạt bụi đỏ bay mù trong mỗi mùa nắng đổ; có những hạt mưa đá văng tung toé nơi thềm cửa lớp. Em nghịch ngợm, mới lên sáu đã biết thẩn thờ nhìn mưa, nhặt đá rồi ngây ngô đưa vào miệng cho nó tan lạnh ở đầu lưỡi. Uøa theo những dại khờ, là giọt nước mặn đắng nồng nơi khoé mắt mỗi chiều về khi trường điểm trống, khép cổng. Em yếu đuối, mỏng manh chẳng biết cách tự bảo vệ lấy thân trước chúng bạn dữ dằn làm nước mắt em rơi. Đôi mắt đượm màu buồn ơi, tan nhanh vào gió, trôi theo những con thuyền giấy gấp vội thả thênh thang qua những khe nước, trắng cả khoảng sân trường. Lớn thêm một chút, em vẫn tung tăng kiếm tìm đủ những trò con trẻ. Nhong nhong ngoài nắng, tắm ngoài mưa. Có mưa, có nắng, có gió có mây…có từng đàn chim sẻ chao lượn trong kí ức và có cả nụ cười ướt đẫm mồ hôi vì nắng trời không an dịu. Em nhảy dây, chạy ù rồi đánh chuyền đánh chắt; cắt lá sắn làm bún bán hàng rong. Rồi lại bày trò " cô dâu chú rể đập bể bình bông" với lũ con trai con gái quanh xóm.
 Tuổi bé con của em có cả cánh diều chao lượn mỗi sớm, mỗi chiều. Có những bữa cơm không đủ ấm dạ, có cả tiếng la hét, kèn cựa cơm áo hàng ngày, có cả sự tất bật vất vả của mẹ hiền. Tuổi thơ của em có những mùa cà fê nở rộ bông trắng, có những hạt cà fê xay rơi vãi. Em theo chúng bạn, nhặt nhạnh từng hạt một giống như hạt vàng. Em cắm cúi, lủi thủi giữa trưa giữa nắng. Ngày nào được nhiều, túi đầy căng, em lại hớn hở chạy về khoe mẹ: " chừng này, mẹ có thêm tiền mua gạo, chừng này con có thêm vài trăm mua kẹo"… Em cười reo, tung tăng thả màu lấm lem vào giấc ngủ ban sơ…

Tuổi thơ của em có cả những ngày lội ngược dòng suối, bắt cua bắt ốc, hái sung chát đắng. Dẫu tháng ngày lặng lẽ cuốn gói ra đi, thả trôi con nắng cuối chiều và những ngày mưa cao nguyên nặng hạt vẫn nghe ấm áp lòng khi em cất bước đi gấp theo dòng thời gian gấp bốn lần tuổi lên sáu. Quay trở về, tháng mười một nắng đã đổ chan hoà. Thênh thang qua những góc đường, vẫn còn thấy đó hạt cà fê rơi vãi. Thấy cổ họng nghẹn ngào ứa nước mắt. Chẳng còn nữa, những đám trẻ ngồi xổm nhặt nhạnh lắt nhắt từng hạt. Cái xóm nghèo xưa, giờ nhà cao cửa rộng, giờ trở thành nơi sinh hoạt sầm uất của cả trung tâm thị trấn. Nhưng vẫn còn, mãi sẽ còn nơi kí ức em một màu mây hồng lấm màu mây đen bay phất phơ trước những ánh mắt đọng giọt sương long lanh mặn nồng…

Em lại thấy ngày xưa cuả anh ngập tràn trong những dòng tin yêu thương: " vậy có khác chi, khi anh lui cui nhặt từng bông lúa vàng tươm nơi cánh đồng tràn nắng, gió". Em bỗng nhận ra anh trong tuổi thơ em. Anh cũng gần gũi quá, cũng lấm lem bùn đất ngày hai bữa lúc đói lúc no. Bên cõi nắng rát cháy bỏng ngày hè, lại có mưa dầm dề làm dịu mát cho những vất vả tuổi chín, mười. Em lại nhận ra trong nỗi đau của mình còn có nỗi đau của người khác; trong những giọt nước lấm lem của em lại có ánh mắt buồn của anh lắng hoài một màu mây phủ kín mặt sông. Em khẽ bật cười, thấy lòng mình dịu lại: " ngày ấy anh cùng em đánh diều, thả gió rong rêu trên những cánh đồng chiều; và ngày ấy em lại cùng anh lang thang nhặt nhạnh cho đủ một bữa cơm trắng không độn màu sắn khoai thì sao anh nhỉ?"…
 Rồi tuổi thơ cuộn thành dòng kí ức không mờ. Em lặng ngắm màu mây, nhớ anh mà ngẫm ngợi một chiều: "khi không là nhặt nhạnh những hạt rơi hạt vãi giữa đồng lúa, giữa nắng vàng rát bỏng trong ấu thơ non nớt thì giờ em và anh lại được thượng đế se duyên trời định; lại được cùng nhau nhặt nhạnh lấy tuổi thơ và hạt vãi, hạt rơi của cuộc đời làm chuỗi ngọc sáng trong, như những con trai lấy máu mình xót đau tượng hình thành từng viên tròn tròn trắng hồng nơi đáy bể…".
 Tuổi thơ em, hay tuổi thơ anh vẫn sáng ngời cả một màu kí ức. Dẫu hàng ngày còng lưng trên gót xe mà gõ đầu con trẻ. Rồi cả anh, rồi cả em, cả những ai kia nữa lại cố tìm kiếm đuổi bắt bóng hình mình mãi. Chiếc đồng hồ đánh nhịp túc tắc. Quay đều cho đủ một vòng người, một vòng đời khát khao…



13/5/10

Năm tháng hoài niệm


Con đường Lê Lợi vàng hoa điệp, tím cả mấy nhành bằng lăng chớm nở. Sông Hương cũng tràn nắng gió, mây trời thênh thang. Em tung tăng giữa phố, áo dài phê phết quắt quay một nỗi nhớ chiêu ê. Những gánh hàng rong mùa bắp tong tả đi hòai tiếng rao ngọt lịm của mấy O, mấy mệ : “ai bắp khôn?” thấy thương thương nhớ nhớ lạ kì… Ngày ấy, cũng lang thang quanh vài góc phố, dừng lại bên lề mua lấy dăm quả thơm nồng, nóng hổi…

Ngược dòng người, em ùa ào chạy về bên khoảng sân trường và một cánh cổng luôn rộng mở chào đón. Thấy những đám cỏ cây vẫn còn chúc chen giữa muôn ngàn hoa lá, sắc màu cứ loang loáng, hiền hoà lấp lánh một màu chiều của tháng ba. Quanh quất đó có một vài quả bóng tròn tròn lăn tăn dưới chân lũ đầu xanh, tóc nâu nâu đen, cười mong manh như nắng xanh màu tươi trẻ hồn nhiên. Gió cũng hát ca mấy điệu ru buồn cho em, cho anh, cho bạn, cho cả những con người thầm lặng, tóc ngả màu muối tiêu. Ngày mai, ngày mốt,… ngày cuối cùng còn lại gì ngoài một tiếng nấc nhớ nhung tiếc nuối…

Sân trường vẫn thế, vắng ngẩn vắng ngơ những tà áo dài đủ sắc rung rinh hai bím tóc thả gió trêu mây khi chiều buông dài thêm trên chiếc ghế đá chỉ có hai người…

Cái đám sinh viên khoa Văn lãng đãng đến lạ. Thỉnh thoảng lại vài nàng lúng liếng má thắm môi hồng lượn lờ quanh những gốc tương tư nhặt nhạnh vài ba hạt bé xíu xiu có màu đỏ chót hình trái tim ấy. Thôi thì đủ tài, đủ khéo. Các nàng cứ  “pha pha chế chế” chúng thành những thức quà lưu niệm đáng yêu để tặng bạn tặng bè. Hoặc là một khung ảnh, hoặc là một lọ thuỷ tinh chứa đầy hạt tương tư đặt lên kệ sách cũng làm cho góc giường nơi kí túc xá bỗng trở nên lộng lẫy, xinh xắn lắm rồi.

Tháng ba đã về đấy ư?… Nhưng, vội gì … hẵng còn say sưa đàn ca, vui vầy với đám bạn tương thân tương ái nữa. Đời sinh viên có bấy nhiêu, sống cho hết mình với nhịp điệu này thêm nữa; rồi lại luống cuống, giật mình thấy lửa thắp đầy trên cây Phượng trước sân trường. Cũng có kẻ ngày hai bữa cơm quán, tối về “lai rai” mấy cuốc gia sư chỉ đủ tiền thuê nhà trọ. Nhưng, tháng rộng năm dài, dẫu thế vẫn có lúc ai ai cũng bất chợt giật mình ngoái đầu nhìn lại: " tháng tư bung xoè cái màu nắng rát da, rám thịt của xứ Huế ngày mộng, đêm mơ màng mắt đọng hạt sương trời”…

Lại lóc cóc chiếc xe sắt hai bánh sờn nát, cũng đã cày mòn những con đường của Huế hay mỗi bận đến trường, và long nhong làm vài cua dạy thêm, cho những khoảng trời kí ức ấy, cuộc đời ấy xanh mãi trong nỗi nhớ thân thương…
Hết cái nắng tháng tư, những ô bàn cờ vuông vuông màu xám trắng bê tông lại khoác lên mình chiếc áo lông điệu đà tựa hồ tấm thảm nhung dệt màu chót đỏ óng ánh dát chút ít màu nắng chiều hoe hoe vàng. Cũng đã râm ran vài ba tiếng ve sầu trên cành cao nức nở. Bạn lại dắt tay tôi đi qua những con đường có vách tường đêm in bóng hình hai đứa khi cầu Trường Tiền vừa kịp sáng đèn nhấp nháy bên sông.

Dăm ba cái tháng tư, tháng năm; rồi lại dăm ba cái ngày hè nắng nôi rát bỏng đầy khát vọng, dăm ba cái mùa thi tất bật trôi qua, đã trở thành cô giáo thực thụ đứng trên bục giảng như ngày xưa từng ước từng ao…

Em bỗng mím chặt đôi môi, kiếm tìm từng giọt mặn chát yêu thương: “mới ngày nào còn tung tăng, ngập ngừng nơi cổng trường, cửa lớp, ngác ngơ như chú chim sâu non”… Và cả mới cho những ngày cuối khóa, thỉnh thoảng ghé mắt nhìn vào góc bàn hay sân trường đã tắt nắng lại nghe đăng đắng mỗi dòng nước mắt khẽ khàng đi qua, khẽ khàng giấu diếm vào khóm lá, hàng cây…

Qua rồi, phải không cái kẹo tơ non màu xanh thắm? Ai bận rộn áo cơm? Ai bộn bề sách vở? Ai quên quên nhớ nhớ sao chẳng khỏi thoáng chốc giật mình thấy lòng sửng sốt, bàng hoàng vì một màu đỏ, hay sắc nắng vàng ươm, của mắt cười lúng liếng trang thơ tình e ấp chớm nụ tuổi hăm chưa tròn…

Ngoảnh đầu xanh, ngoái mắt nhìn lại đã thấy tóc thầy lốm đốm hoa râm, đuôi mắt cô thêm vài ba vết chân chim mờ trăng trắng. Có khi nào nhớ nhung khôn tả, có khi nào thèm những phút giây cuồng say hay lãng đãng trong tiếng cười-tiếng hát… Và có khi nào… cho đến khi nào… em lặng lẽ nắm tay con thơ bé bỏng, đứng bên kia đường chỉ cho con thấy :  "Trường mẹ đấy, lớp mẹ đấy ngày xưa!…”

12/5/10

Khói đòng đòng

Khi chiều vội đi qua, tôi thích màu nắng hoe hoe lấm lem những cọng khói bất chợt tan bay trong mây trời. Khói không cay xè mắt như bếp lửa tro trấu của mẹ. Khói chỉ tựa hồ như một giấc mơ thuở ấu thơ tôi thong dong ngoài đồng quê khát mưa ngày mùa...

Tôi chẳng còn bé nữa. Đi hoài giữa những con đường tưởng chừng quen thuộc. Sao vẫn loang loang nỗi nhớ mẹ hiền xa. Hóa ra, nơi này chỉ có mấy cọng khói chiều ngơ ngác của đất khách quê người. Nắng tháng năm mơ ngày về được nhìn thấy mẹ hiền tựa cửa ngóng chờ. Nắng tháng sáu, mơ được thông thênh chạy nhảy ngoài đồng vừa mới gặt xong vẫn còn trơ gốc rạ. Mỗi mùa về, mỗi khi chiều quê long lanh màu nắng, tôi lại nghe mùi khói thơm nồng hăng hắc thương thương lạ. Nhớ. Ngày xưa. Nhớ. Mấy đứa bạn giờ chắc đã con bồng con bế.  Tuổi thơ chỉ còn là cánh diều bay trong nỗi nhớ mỗi khi chiều về, mỗi khi thấy nắng loang nhẹ giữa đám khói đồng nghi ngút. 

Tôi đã lớn. Tháng ngày trôi vô chừng đến rộn rã cả đôi chân. Tôi vẫn cứ thông thênh với mây trời sông nước, với những thứ mang dáng hình của cuộc sống tấp nập, vồn vã. Tôi biết thế nào là nỗi nhọc nhằn cơm áo xa xưa mẹ cha thường nhắc nhở... Thương đến ứa nước mắt, mỗi khi chiều về. Thương đến nghẹn lòng khi tưởng tượng nỗi chờ mong, khi thấy mẹ khóc khi tiễn bước con đi. Những cánh chim trời, tìm kiếm cho mình lí tưởng quá xa vời...
 
Bỗng thấy mình bé lai. Bỗng thấy mình cũng còn lon ton theo mẹ ra ngoài chợ nhỏ vòi ít tấm quà tấm bánh. Và, bỗng thấy những đám trẻ chăn trâu đang bứt mấy ngọn lúa đòng đòng mới lên non còn ủ trong cọng lá xanh rờn đang say sưa cắn  từng đọt một. Ngọt lịm. mát rượi như tuổi thơ xa lắc...

Thương chiều quê ngả nắng. Thương đôi mắt mẹ hiền. Thương những cánh diều đang bay lẫn trong màu khói lam chiều...

9/5/10

Sương buổi sớm


Nắng ưu tư khẽ liếc mình soi bóng trong những chiếc lá còn đẫm sương sớm. Gió vi vút thổi tung cả hàng dừa trước biển. Con đường dọc phố, buổi mặt trời vừa lên, đã thấy lác đác vài chiếc xe pin pin chạy. Nhìn quanh quất ven bãi cát phẳng lì chỉ thấy nụ cười, hơi thở trong lành của cuộc sống…
    Mọi khi cô thường phải rúc trong chăn hàng giờ đồng hồ mới chịu mở mắt thẳng lưng dậy. Nhìn lần đầu, người ta cứ nghĩ cô là tiểu thư khuê các gì gì đó. Lạ chưa từng thấy. Khó ai có thể nhận biết được trên đôi môi tươi rói đỏ đắn màu nắng của buổi sớm kia lại vương vất một thứ gì đó không tài nào hiểu nổi. Chính cô cũng chẳng mấy khi để ý lắm đến cái sự được cho là " bất thường" đó của mình. Cô nghĩ: còn nhiều việc cần phải làm hơn. Hoá ra bấy lâu nay cô chẳng biết mình đang làm gì và làm được gì, chỉ phởn phơ với những thú tiêu dao ngoài trời, và trong những góc cà fê yên tĩnh để tha hồ thả hồn theo tiếng nhạc rầu rĩ, miên man với cõi vô thường vô nhị của Trịnh. Cái ông nhạc sĩ đã khuất núi từ bảy đời vẫn còn sống một cách trọn vẹn giữa lòng thiên hạ như thế đấy.
 Bật dậy giữa đống bùng nhùng của tiếng xe lách cách, của mớ rối rắm trong óc, và cả những âm thanh quen thuộc đã từng tua đi tua lại, hình như từ khi cô còn chưa lọt lòng thì phải: " Mày là đồ dốt nát, mày đem chồng mày đi bôi bác giữa thiên hạ này…" v.v…Nhiều nữa, cô mặc kệ. Quen với cái kiểu cãi nhau như cơm bữa này của họ cô chẳng thèm để ý lắm. Người đàn bà càng từ tốn, ngừơi đàn ông càng lấn lướt. Vợ chồng kiểu gì? Chẳng hiểu đó có phải tình yêu không nữa?…cũng có thể họ yêu theo cách của họ. Nhưng sáng nay thì khác hẳn. Cô trùm kín chăn đến ngộp thở. Khi không chịu nổi, cô nằm thở dốc theo nhịp đập từng tưng của tim mình, rồi cô oà khóc. Khóc tức tưởi như chưa từng được khóc vậy. Bao nhiêu cái uất nghẹn, tủi hận trong lòng mình cô chỉ muốn bật tung. Hai bàn tay cô nắm chặt lại. Gía có thể đấm vỡ một thứ gì đó…Ngày còn bé, cô dùng cái bức tường vôi trắng toát làm bia, rồi cứ thế hết phang lại gõ…Qúai, cái đầu cô cứng cáp quá. Cũng phải, chẳng biết mẹ cô sinh cô vào giờ nào mà gan lì cóc tía đến vậy? chẳng trầy xước hay chảy máu gì, chỉ thấy nó cứ ù ù. Còn bây giờ cô chẳng thể làm được cái việc giải toả bức xúc theo cách riêng đó. Cô còn để dành nó mà làm việc và sống cho nốt đời người…
 Chín giờ. Hất đống chăn qua một góc, không cần xếp đặt. Nhìn căn phòng mà ngao cả ngán. Cô xếch xác đứng trước gương ngắm nghía, cầm chiếc lược cào qua cào lại chỉ thấy một đôi mắt thất thần, trĩu nặng nỗi u hoài, rét buốt. Cà fê. Một cốc men màu nâu. Quen mất rồi, thiếu nó thật khó làm việc. Cảm hứng sáng tạo ra những chất sống cho linh hồn cô trong đó. Làm hai cốc liền. Đầu óc hơi choáng. Chẳng sao. Thế càng hay. Người say rượu thì chửi toáng cả thiên hạ. Còn say cà fê như cô thì càng muốn không bị làm phiền, chỉ cần sự yên tĩnh. Mệt mỏi, cô lê thân đến bàn máy ngồi thừ một lúc, chẳng thể gõ được gì. Vùng đứng dậy, cô phóng xe ra phố. Biển xanh. Sóng cuộn nhịp nhàng như khúc tơ rung chìm khuất trong mây. Cô cần rời khỏi đây, cô cần một điều gì đó cho riêng mình. Sự lãnh cảm quá tồi tệ lúc này khiến cô yếu đuối muốn xé toang bầu trời để nhốt mình vào mây bay, vào nỗi cô độc đến rợn người này. Giấc mơ chập chờn khi tối vẫn còn bám riết lấy cô. Rồi cũng lại lang thang như kẻ vô hình giữa cõi người đông đúc, nhộn nhịp hát ca ấy. Những giọt nước mắt lại long lanh nơi đáy mắt. Mặt biển hôm nay xanh non hơn, lấp lánh dát bạc bằng ánh nắng pha lê của buổi sớm. Phải sống thôi, sống gấp đôi người khác. Cô bắt đầu hiểu ra rằng: Người ta sẽ tồn tại vĩnh viễn giữa muôn đời nếu biết cách sống nhiều hơn. Sống để kiếm tìm ý nghĩa đích thực của tất cả mọi loại tình yêu…
 Đứng trước sóng gió chao chát cả đại dương này, thấy lòng mình yên tĩnh lạ. Cô có thể quẳng hết mọi cái vào hơi biển thổi tung ra khắp trời đất. Giờ bỗng thèm được chạy đua cùng ai đó…Nỗi nhớ chưng cất sâu tận đáy tim. Cô nhấc từng bước, soải chân theo triền cát lóng lánh ánh vàng, rồi quay trở lại căn nhà có một khu vườn mát rượi xanh ngắt. Ông cụ tóc bạc trắng như tiên nở nụ cười hiền từ ra đón cô. Thường vẫn như thế mà. Thỉnh thoảng cô đến đây, cái mà cô nhìn thấy trước là nụ cười của cụ. Ông lách người ra khỏi những hàng dây leo của giàn bông giấy rồi tới bên cái bàn được kê sẵn trong một góc vườn. Trên bàn đã để sẵn một bình trà ướp hương nhài thơm phức. Cô cũng lạ, tự đâu lại sinh ra cái tật mê trà, mê thú tiêu dao của người già đến thế. Thú hơn là vừa nhâm nhi vừa ngắm cái vườn hoa kiểng và một dãy lan rừng được cụ săn sóc chu đáo đã bắt đầu hé nụ. Mà phải đến vào buổi sớm, khi sương còn đọng hạt lại trên cuống lá mới có thể nhìn thấy được cái vẻ lung linh tinh khôi của hoa cỏ. Lòng cô thanh thản, nỗi buồn cũng bắng nhắng bay vèo theo gió. Cả một đời chỉ mong được như giọt sương long lanh in trên sắc cỏ xanh mà vui vầy với vũ trụ thiên nhiên. Nhưng cô còn trẻ, còn phải gắng mà đi cho trọn cuộc sắp bày của kiếp số. Vậy mà, những thứ nhăng nhăng cuội cuội vẫn cứ réo rắt sục sôi trong trái tim cô. Khẽ liếc nhìn đám cây lay lay bên cạnh ông cụ, cô bỗng cảm thấy sợ hãi khi bước chân về nhà. Chẳng phải nhà. Mái nhà không có một chút hơi ấm. Tường vôi trắng xoá đó, tiện nghi đầy đủ đó sao cô cảm thấy lạnh lẽo vô cùng. Tim cô lúc nào cũng nhảy nhót trong những âm thanh khó chịu. Cô muốn chống cự, cô muốn vùng dậy, nhiều lúc muốn thả một quả bom cho nổ tung tất cả những dối trá, đảo điên. Nhưng sao thế này? Cô tệ thật. Hay cái căn nhà đó tệ. Giữa cái thinh lặng của cỏ cây này không có tị hiềm, không có cả những chát chúa đớn đau. Nỗi hận cứ dày dày lên mỗi giờ mỗi ngày. Có lẽ chỉ những giọt sương kia mới làm cô tan hoà bớt đi…
 Cô chạy long nhong cả ngày, hết góc này đến góc khác. Chiều tối, chẳng còn nơi nào để có thể trú chân nữa, cố lết về. Tiếng ầm ào của sấm sét, tất cả những thứ không thể chơi được đó lại tái diễn. Đúng là cơm bữa mà. Có chạy xuống chín tầng địa ngục may ra cô mới thoát khỏi cái mớ bòng bong đáng ghét này. Tình yêu là thế này ư? Gia đình là thế này ư? Tất cả đều dối trá, dối trá. Sương sớm có thật đâu giữa căn nhà này? Chỉ muốn gào thét lên thật to cho tất cả những thứ khó chịu kia biến, biến sạch khỏi cái tĩnh lặng của những giọt sương mà cô đã được nhìn thấy ngoài trời, ngoài đất. Không thể khóc. Bao nhiêu năm, nước mắt cô đã cạn kiệt hết rồi. Cô chỉ có thể thở, ráng thở thoi thóp cho qua ngày đoạn tháng. Trời gầm thật…
Lại là những mẻ kiếng. Chúng văng tung. Đẹp như pháo hoa lấp lánh màu thuỷ tinh. Đôi mắt cô cũng óng ánh màu hồng trong suốt tựa bóng mây lặn hồn vào đáy nước. Thấy mây bình yên sao giọt nước cứ gợn hoài. Niềm vui chỉ là một cái gì đó quá đỗi nhỏ nhoi đối với cô. Lâu dần, cô cũng chẳng cần đến nó nữa. Sống với nỗi đau và hận thù, với những thứ rác rưởi mà mình diễm phúc được chứng kiến, cô cảm thấy sung sướng, đến phát rồ phát dại. Nhân cách là gì? Sự gương mẫu là gì? Có thể họ biết chăng? Còn cô thì chẳng nhìn thấy nó đâu cả. Lại một đêm kinh hoàng như bao nhiêu đêm, bao nhiêu ngày tháng tuổi của những kẻ được chào đời tại căn nhà này. Sự tổn thương của ký ức kéo dài đằng đẳng làm cho cô đau đớn, giằng xé…
Cô lặng người, mỉm cười nghẹn đắng. Cô muốn có ai đó bên cạnh, sẻ chia ư? Ít ra cũng là như thế. Nhưng, nghĩ lại… có lẽ không nên. Nỗi đau này chỉ có cô mới thấu nhận được nó thôi. Phải rồi, con ốc nâu cần biết vị trí của nó ở đâu. Giữa một bãi cát sa mạc mênh mông trắng xoá, hay một rừng cây lá rụng vàng úa cả khoảng trời của riêng mình thôi. Cảm giác nào đó cứ xoáy sâu trong lòng. Sao mình như thế này nhỉ? Không, giấc mơ bé con thôi. Chắc là hai cốc cà fê đáng yêu kia đưa cô vào cơn mộng mị của những lưỡi tầm sét. Bóng ông già tóc trắng, những dây hoàng lan, những dàn hoa giấy màu hồng lại lung linh trước mắt cô. Chúng hát ca, cười đùa với gió, mây và sóng nước, biển mặn. Rồi đêm nay cô lại thức trắng để mơ mộng mất thôi… bé con ạ! Thật là ngớ ngẩn. Có những giọt nước mắt cứ ngớ ngẩn mãi mãi không thể nào xoá sạch, cứ hằn lên một vết sưng tấy nhức nhối. Hạnh phúc cũng là một thứ ngớ ngẩn không tài nào chịu nổi. Miền cực lạc chỉ là một thứ hàng hóa không có một kilô giá trị nào. Đời người chỉ là bể khổ triền miên, vậy tại sao phải né tránh nó? Hãy cười cợt với nó mà sống cho trọn vẹn cô bé ơi. Muốn ôm hết tất thảy, tất cả những đoạ đày vào mình, để xem…cái mà người ta gọi là bản lĩnh đó có tồn tại thật hay không? Đừng khóc, trước hết hãy biết lau sạch, xoá sạch những giọt nước mắt ấy đi. Nụ cười đáng giá hơn bao giờ hết. Có lẽ là với cô thôi. Tại sao phải chết? Vớ vẩn quá đi. Phải cười tươi, cười rực rỡ như đoá hoa mặt trời để còn thấy ánh bình minh và những giọt sương sớm chảy tràn trên lá non kia kìa… giấc mơ thuỷ tinh đỏ.
Một không gian tĩnh lặng. Sóng cuộn cào nhiễu nhương quá…
Đi. Gắng mà bước tiếp. Cần lắm một sự bình yên thật sự. Cô quạnh cũng được, không một bóng người cũng xong. Không sẻ chia, không ủi an, không không gì hết. Mọi lời nói, khuyển dụ đều vô nghĩa lý. Cứ vậy mà đi thôi. Con sông vẫn chảy trôi giữa mênh mông vô tận, giữa nỗi đơn độc sâu ngút trong lòng nước. Oằn đau đã dợm thành vết sao xoá sạch nổi hở sông ơi? Ngày dài tháng rộng, bóng đêm phủ ngợp nín thinh…
  Cô thấy nhựa sống căng tràn trong những chiếc gai xương rồng đã chết, chết thật sự. Giờ cô nghĩ mình sẽ cho nó sống theo một cách khác, theo cái lẽ tự nhiên nó đã vốn có. Sinh, trưởng trong sự khô cằn của sỏi đá. Xương rồng chắt chiu từng ít một những giọt mật màu trắng. Còn con sông thì rộng rãi, phóng khoáng lùa nước đi khắp chân trời góc bể. Sao không chia bớt cho mỗi nhánh gai kia dẫu chỉ là nhỏ nhoi chút ngọt ngào…? Bây giờ lại được phóng ào ào ra với biển, sóng, gió giữa đêm đen này. Đáng sợ thật, nhưng sự dữ dằn của biển cô còn có thể chịu được. Đôi mắt của người đàn bà trong ngôi nhà ấy thật phi thường biết bao nhiêu, có lẽ nỗi đau của cô chưa bằng bà ấy. Có lẽ nghị lực của cô chỉ như rong rêu dưới đáy biển.
 Mẹ, phải rồi, mẹ cô xứng đáng được nhìn những giọt sương lành lặn, an nhiên kia hơn…

           Vân Giang

7/5/10

Mùa hạ tím...


Con bé quấn vội mái tóc thành một chùm mây be bé rồi nhấc gót khe khẽ ra khỏi nhà. Nắng chiều tháng tư giờ biến thành những cơn mưa bất chợt. Mưa ru cho đôi mắt màu tơ non càng thêm xanh biếc với bầu trời...

Thả bộ một đoạn trên con đường trải đầy phượng đỏ. Sắc màu của Huế cũng thênh thang quá. Mới vừa độ tháng chín. Lá còn rơi vàng cả ngõ nhà cô. Ấy vậy mà, tự bao giờ, cô chẳng nhìn thấy đám lá vàng kia nữa. Chỉ quấn quýt dưới đôi chân cô là những cánh phượng màu nắng đổ hây hây như cặp má hồng thiếu phụ khi mùa đông đến. Lại một mùa thi nữa sắp qua đi. Cô sợ, mỗi lần nhấc chân trên những bậc thềm trải đầy sắc đỏ. Lớp cũ, trường xưa giờ vẫn văng vẳng tiếng giảng bài của tháng ngày áo trắng, xen lẫn trong dàn ve sầu mùa hạ. Đám học trò nhỏ, mắt ngơ ngác thi thoảng lén liếc nhìn ra ngoài cửa lớp. Có vài áng mây trôi lững lờ thành chùm mơ màu mận chín. Đi qua một mùa hạ, dẫu mắt hoe đỏ vì luyến tiếc nhớ thương, vẫn thấy mình thẩn thờ tiếc nuối...

Huế bàng bạc tím trong màu bằng lăng mỗi đêm về, đầy háo hức. Cô lại quẩn quanh với tay hái những giọt sương rơi long lanh còn đọng lại trên đọt lá. Cầu Tràng Tiền, cũng tím thẫm soi bóng xuống mặt sông. Cô nhớ, miền đất đỏ bazan hình như chỉ có mùa hạ vàng hoa điệp. Sao quá nhiều khát khao trên mắt cười lúng liếng. Sao quá nhiều nỗi đam mê của sức trẻ căng tràn nhựa sống... 



Ngày mai, nắng sẽ tràn lối ngập những con đường lăn tròn vòng bánh xe chở đầy màu hoa phượng. Biết bao cô cậu học trò kiếm tìm cánh bướm nhỏ ép vội trong trang vở. Đường về tím gắt mỗi chiều nghe gió thổi bên triền sông vắng. Cô thảng thốt: Áo trắng không còn đi về bên những ngày tháng tư. Tuổi thơ là một giấc ngủ khá êm đềm...

4/5/10

NHỚ...



Không định hình, những bóng dáng xa xôi nào đó lung linh một sắc màu tinh khôi quá. Tôi thoáng thấy con đò trôi lờ lững trên sông. Chiều chưa nhạt nắng. Đám trẻ chăn trâu mắt lúng liếng cười toe trên những sườn đồi xanh mượt cỏ bờ đê. Quần áo chúng bạc phếch màu nắng gió sờn nâu. Thèm được tung tăng dẫu đôi chút thôi, tháng ngày cộc cằn khô khốc...Còn điều chi đó bâng khuâng khiến ai kia nhìn hoài một ánh mắt trẻ thơ. Phải chăng ngày xưa, cậu bé đáy quần không lành lặn vẫn tung tăng kiếm tìm đám dế đồng khi trưa hè nóng bỏng? Phải chăng giữa màu xanh thăm thẳm của đẩt trời, vẫn muốn lắng nghe tiếng sáo diều vi vút bay cao – gửi hoài những ước mơ màu huyền thoại... thương thương chi lạ cái thuở xa xăm...

Tôi lại thử tưởng tượng xem, ngoài bờ tre vi vút sau những mái nhà thơm mùi khói rạ bay cao có còn không nỗi đơn độc quen thuộc của những người đàn bà lam lũ, chịu khó? Thật vĩ đại thay, nếu ai không thể nhận ra được điều này: Nơi ấp ủ tháng ngày khôn lớn lại mang dáng hình  của biển cả bình yên. Ai biết được sau muôn nỗi nhọc nhằn cơm áo, họ mỉm cười thay những than thở lo toan. Bay cao đi hỡi cánh diều con no gió. Bay đến tận chân trời mới thảng thốt giật mình nhìn xuống. Xa rồi, tít tắp một mảnh trời bé con nằm trong chiếc chăn thơm mùi bếp rạ. 

Lại lăng mình giữa một mảng màu vàng long lanh sắc nắng. Bạt ngàn, trắng xóa...mờ mịt. Rồi tôi cũng tìm được cho mình góc khuất để ngắm nhìn chẳng phải đốm lửa nào đó ngoài khơi. Một màu thôi, trắng xóa. Nhớ chăng, cũng lại là những cơn gió nồm thổi thốc căn nhà nhỏ của quê nghèo. Một đời vấn thế, tất bật với bán buôn với nỗi nhọc nhằn đã thành quen thuộc. Người chẳng chịu để cho nước mắt rơi. Cứ đem sức lực đánh đố với cuộc đời. Biển ùa ào dấu đi những đắm mê vào nơi nào đó thẳm sâu lắm, đến bản thân họ cũng vô tình chẳng thể nhận ra...

Sự hi sinh là một điều kì diệu nhất giữa muôn trùng cánh sóng. Tựa hồ mây bay, gió thoảng. Hi sinh và quên đi. Chỉ tồn tại những tháng ngày ấm áp cho tất cả yêu thương. Tôi nép mình vào đám lá khô vừa rơi rớt xuống bên vệ đường. Lại một mùa đông, và sẽ tiếp nối mùa xuân, mùa hạ... Ai lãng quên những điều hiển nhiên giữa thăng trầm cuộc sống? rồi cũng bàng hoàng, ngỡ ngàng, sợ hãi... phải rời xa...

Tôi có lúc đã tự mình tô vẽ quá nhiều đường nét cho những thứ mà tôi nhìn thấy ngoài lẽ sống này. Nhưng, rồi bất chợt nhận ra bao nhiêu điều chân chất nhất nơi chốn quê xa, có mẹ lặng yên mỗi ngày ngóng chờ đứa con bướng bỉnh trở về.

Nơi đất khách, xứ người... mờ mịt chân trời góc bể, bỗng thèm tô canh bí đỏ trong tay mẹ hiền.