Linh tinh

Đôi khi thấy mình quá bướng bỉnh - lì lợm - ngang tàng - nhưng lại hơi ngơ ngác. Cứ ngỡ mình mạnh mẽ lắm...

5/9/10

Chán như là con gián…














Đời con gián nó thế, quanh đi quẩn lại với mấy trò vớ vẩn trong thiên hạ nầy. Chàng cứ bò ngang bò ngửa, hết lê lại lết. Râu chàng cứ thế mà phắn ra tua tủa như cái chổi xề cùn. Chàng còn va vất, khổ sở hơn nhiều, mỗi khi chàng lăn lộn ngoài trời bóng xế hay rúc rích trong xó nhà góc bếp “xin xỏ” mà đúng hơn là chôm chỉa những mẩu vụn nhỏ xíu xìu xiu của nhà họ. Mà, có phải một nhà nào cho cụ thể chắc chắn đâu. Chàng có một “biệt tài” khá hoàn hảo. Chẳng nơi đâu là chàng không sống được, thậm chí nhà nghèo hay nhà khá giả. Rúc tất tần tật. Nơi nào “beò dạt mây trôi” chàng cứ thế mà rúc. Đời chàng chỉ có thế là lấy làm “vinh hạnh” lắm lắm rồi. Nghĩ mà tủi, mà thương, mà xót xa thay cái thân phận cả ngày lam lũ, cũng chẳng đủ ăn, đủ xài gì cho cam. Đã vậy, đi đến nơi đâu chàng cũng bị người ta ghét bỏ. Nhiều lúc nhìn thấy chàng, người ta rủa nhiếc, mắng mỏ thậm tệ. Ấy là còn chưa kể đến mấy vụ “làm ăn” kinh điển của chàng. Chưa kịp “lột xác” hành đạo, quên phải là “hành thực” mới đúng, thì chàng đã bị người ta cho nốc out rồi. Ờ, mà cái đời nó vốn thế. Sống còn khó hơn chết đi. Hèn chi, họ đã cố tình nhiều lần cầm cái chổi lia, quét, đuổi xua chàng. Tệ hơn, người ta còn vác cái thứ gì dẹt dẹt trông như cái tấm thớt phạt xuống đầu chàng, mình chàng…Đâu dễ vậy. May mắn thay chàng có thêm cái tài “phóng nhanh vượt ẩu”. Người ta chỉ vừa đưa cái vợt lên rồi từ từ hạ xuống thì chàng đã phắn vào yên vị ở một cái hốc hẻm nào đó rồi (chẳng hạn như góc tủ, gầm giường…). Chàng cười khoái chí, dương dương tự đắc, vẻ như ta đây không chịu thua các người. Nhiều khi chàng cho rằng : cuộc đời chàng thế cũng ổn. Sống vơ vẩn nơi xó xỉnh thế mà lại hoá hay. Cứ chường mặt ra giữa thanh thiên bạch nhật, chắc gì đã sung đã sướng. Ôi giời, con người…Hễ thích là đấm đá, hễ muốn là gào thét. Chàng cho rằng những cái sự diễn ra xung quanh mình đấy, tất cả …bưa lắm. Khổ, con người thật là khổ…


Đúng là triết lý cùn của một con gián. Ấy, mà con người thì thế nào nhỉ, nhiều khi vụn vặt vớ vẩn còn hơn cả con gián nữa.

4/9/10

Gà con...mắc dzịch!

…Dạo này, trời thì đổi gió mây chuyển hướng. Lạ lùng quái kiệt đến thế chứ. Đang hừng hửng nắng bỗng chốc mưa vù vù, sấm sét tùm hum cả lên. Chẳng đau đầu thì cũng nhức óc mà tử nạn với thời, với tiết…

Cái lão gà nhà bên cạnh, thi thoảng lại toác mỏ lên hát nghêu ngao ầm làng, ầm xóm. Phát bực mình. Đã vậy nàng còn đỏng đảnh chạy ra, chạy vào; đứng hết góc này đến xó nọ. Mặt nàng trắng bệch bệch như củ cải, môi miệng chúm cha, chúm chím, đỏ choèn choẹt. Nhìn mà kinh…chắc một phần cũng tại thời tiết mà ra cả. Chẳng trách được nàng. Mọi khi nàng có thế đâu, giản dị cóc có se sua, đỏm dáng. Aáy, tưởng là hết. Ngắm nghía kĩ lưỡng một chút, lại thấy mấy cái móng chân của nàng cũng biến hoá, đổi màu đến dị hợm. Nàng sao thế nhỉ?…

Đám gà con thường ngày vẫn trêu đùa, cười choe choét với nàng cũng đứng đực mặt ra nhìn nàng như một con gà thần bí từ trên ngôi sao nào đó vừa rớt xuống cái bụp ngay sân nhà chúng thế này. Gà chả thèm. Chả phải để ý gì đến chúng sất. Nàng ngúng nga ngúng nguẩy, ngoáy mông ỏn ẻn quay vào nhà. Lướt qua lướt lại ngay chiếc gương treo tường. Nàng lại cười. Oà, có vẻ trông mình xinh ra, đáo để thật. Thế thì thằng trống nào chẳng khoái chí mà cười tít lít nhỉ? Cái bọn con nít ấy thì biết gì mà yêu chứ? Chà, anh trống của tôi ơi, giá anh có thể đứng trước mặt tôi lúc này?…

Ngắm nghía một lúc, nàng chạy lạch bạch từ nhà trên xuống nhà dưới, diễu qua diễu lại như người mẫu thời trang trước mặt gà mẹ và mấy đứa em. Nàng lại cười. Nụ cười ít khi tắt trên môi gà. Cười bất cứ lúc nào, cười bất kể nơi đâu. Cũng may ông trời còn thương xót, ban phát cho gà nụ cười duyên đến lạ đến lùng. Chả trách nàng thích cười, khoái cười và mê cười đến thế.

Tối. Nàng cứ nhẩn nha quẩn quanh mấy trò game vớ vẩn, chơi mờ cả mắt, gõ đau cả tay. Thế mà gà vẫn chẳng thể nào rời khỏi cái màn hình ấy được. Đầu óc ong lên nóng như lửa. Có làm sao. Nàng không quên nhiệm vụ làm đỏm cho mình là xong ngay. Mưa. Cái xứ nàng đang ở đấy, lúc nào cũng có thể nhìn thấy nước tung tăng ở trên cao cứ riêu riêu giọt long tong cả đêm trên mái nhà của gà. Cũng may, nhà nàng hơi kín cổng cao tường, chứ còn…cái ngữ như ngày xưa, chắc giờ này nàng phải đội mưa cùng mẹ gà chêm hết chỗ này đến ngách ngóc nọ…chứ lấy đâu ra thời gian cho nàng làm dáng, làm duyên phong lưu đến thế…

Bẵng… mấy hôm rồi. Cái xóm nhỏ nhộn nhịp chẳng thấy nàng lượn ra lượn vào nữa, đề cười duyên với họ. Đám trẻ cũng chẳng còn ngẩn tò te mà nhòm nàng như kẻ xa người lạ như ngày đầu tiên. Nàng vắng bóng đến một cách bí mật. Nhất là lũ nhóc hàng xóm. Chúng tò mò, tểu mểu chạy đi hỏi han, tìm kiếm nàng. Cũng chẳng lạ. Mọi khi nàng mê chơi, chịu chơi mấy trò trẻ con cùng với chúng. Nàng lớn hơn chúng thật, nhưng trông nàng bé bé bòng bong khi cười đùa chạy nhảy. Vậy mà chúng thích. Cho nên cái sự thay đổi ở nàng, đôi lúc thật chướng và cả lạ lẫm, ít nhất là với chúng. Nhưng chúng chả ghét được nàng lắm.

Vắng gà, nụ cười cũng biến mất. Căn nhà đang rộn rã tiếng cười bỗng chốc lạnh tanh lạnh teo đến là phát khóc, phát rồ thôi. Hoá ra nàng ốm. Nhìn coi, nàng bẹp xẹp như một con gián thật sự. Nàng ốm, nàng bệnh và nàng đau… chẳng hiểu là ốm với đau thế nào? Chỉ biết, thấy gà nằm đó. Đôi mắt nàng mỏi mệt, sắc mặt không còn hồng tươi, đỏ đỏ thắm thắm như mấy ngày đầu nàng tập làm đỏm ấy. Nàng cũng chả thèm cười như mọi lần. Thi thoảng lại thấy những giọt nước mắt lăn long lóc trên khoé mắt của nàng. Cái nầy mới là sự lạ nghen. Mới ngẫm nghĩ ra được một cái gì đó, chắc chả mơ hồ lắm: Đời nó thế… khóc và cười có cách nhau bao xa đâu. Mới cười tươi như mặt trời toả nắng vậy, đã thấy khóc tù lu tù loa lên rồi…

Từ cái đận ốm dậy đó, gà ít cười hẳn đi. Nàng cũng lấp ló trốn chui trốn lủi ở một góc nhà. Nàng cũng chẳng thèm nhấc chân ra khỏi phòng nữa bước. Gà thay đổi cũng như mưa như nắng ở cái xứ xở này vậy. Lâu, cũng thành quen. Mãi rồi bọn nhóc bên cạnh nhà gà cũng lớn, cũng tung tăng bay nhảy khắp mọi nơi như gà đã từng. Nhưng, ít ai biết nàng như thế nào? Chắc cũng chẳng phải tại thời tiết đâu?…Nhiều, phải rồi bấy lâu gà cười thật nhiều hoá ra chỉ để làm cho nỗi buồn của mình nó tiêu bớt đi…

Buồn cũng có ba bảy đường. Hiểu được trong chốc lát cũng khó. Chỉ biết, lạ thiệt… tối rày gió mưa có nặng nề hơn, ầm ào dữ tợn hơn. Lại bão rồi đây...

Tiếng gõ phách của mưa như muốn nện tung mái nhà lợp tôn. Thấy lành lạnh…

3/9/10

Một mảnh trời thu!



Chưa đến buổi ngày rằm, trăng tròn lúc luỷu treo tít trên cung quảng đã nghe tiếng trẻ con ùa chạy, gọi nhau í ới. Đã nghe dậy sấm trống lân khắp trong nhà ngoài ngõ xóm. Cái thuở nào bay nhảy, tíu tít như chim sâu non lách cách chạy theo những ngọn đuốc cháy rực lửa trên những con đường mờ mịt bụi đất. Thế mà vẫn cứ thích thú hò reo, thích thú la cà nách thêm một đứa em nhỏ cười say mê, đỏ cả má hồng non tơ. Này thì cậu bé nghịch ngợm trên tay một cây súng nước nhỏ cứ vậy bắn xịt lung tung khoái chí. Còn kia, thì lũ con gái đỏm dáng với đủ loại đèn lồng lấp lánh nến lung linh sắc màu của giấy bóng. Thấy hội rằm mà những kẻ đã quá lứa, quá tuổi vẫn còn mơ mộng, ngẫm nghĩ cái ngày xưa. Ừm, thì mình cũng như chúng nó chứ có khác gì. Cũng một thời, chạy đuổi theo cái ông trăng tròn vành vạnh, sáng bạch bạch kia mà tự hỏi: " không biết nó có đi theo mình hay chăng?". Ấy thế, rồi lại cũng cười tí tởn, ngước cổ lên trời, vừa chạy vừa cười vừa nhìn để thi chạy với trăng. Có phải đâu chỉ chừng đó là đủ. Cái lũ con nít, con nôi cũng đa nhiêu, đa sự đến thế là cùng. Tuổi thơ nó cứ ngây ngô gieo cấy vào óc những ý tưởng nghĩ suy đến là lạ. Nhiều lúc chúng cũng tự nhìn lên trăng rồi ngẫm ngợi lại câu chuyện cổ tích đã được học, đã thấm sâu vào mỗi giấc ngủ mộng mơ của mình: " phải chăng có chị Hằng nga đẹp tuyệt trần? Và phải chăng có một chú cuội ngồi ôm gốc cây đa?"… Ôi thôi, nhiều vô kể. Có khi, chẳng giải đáp được, chúng lại mang cả một vầng nguyệt bạch vào giấc ngủ còn vang rộn tiếng cười của gió thu, còn vẳng đâu đó một tiếng trống lân và những chiếc đèn ông sao, đèn cá chép hay những chiếc lồng trăng tròn tròn sáng loá cả ánh mắt long lanh của đám trẻ con. 
 Mới mười ba, trăng cũng chưa chín rụng nhưng hình hài gần vừa vặn đầy tròn. Chỉ cần thế là lũ chúng nó đã có thể lục tục thắp đèn, thắp nến ngẩn ngơ, hồi hộp tung mình rong ruổi theo đoàn lân nghiệp dư rồi. Rủ rê thêm vài ba đứa bạn nữa, lũ trẻ con trong xóm trong các nhà đã túa ra đầy đường, đầy chợ rồi kéo nhau chạy đến khi nào đèn cháy, nến hết thì thôi. Cái thời xa xưa lơ lắc, lũ trẻ nghèo chỉ có những chiếc đèn tự tạo bằng tre đan khéo léo, rồi dán giấy màu lên. Đứa nào khá lắm thì có đèn ông sao năm cánh, còn không thì đèn lồng bằng giấy trắng hay giấy màu mà chúng tự mình mày mò, cắt dán. Còn bây giờ, nhìn quanh quất, chắc thỉnh thoảng ta mới có thể thấy một chiếc đèn thủ công thắp nến lúc tắt, lúc đỏ trên tay con trẻ. Cái thời, cái thế nó cũng cho đám nhỏ cơ hội được khoe bạn, khoe bè những chiếc đèn lồng đủ hình đủ sắc. Nào là con thuyền titanic nhiều buồm, nhiều màu sáng loá bằng một cái bóng nhỏ được chạy pin. Ấy là loại đèn lồng hiện đại mà chúng chẳng còn phải lo hết nến, hay cháy đèn nham nhở dọc đường đi nữa. Nhưng, dẫu sao người ta; nhất là những kẻ đã qua cái thời rước đèn tháng tám ấy hình như vẫn còn mong muốn lắm được nhìn thấy thật sự không khí của ngày hội thuở nào mình còn tung tăng chạy theo trăng. Người ta cũng vẫn còn thèm lắm, được nghe thoang thoảng gió thu thổi mát rượi đuổi theo mỗi bước chân lấm lem đỏ chạch đất cát.

Lũ trẻ nít thì thế. Chứ còn những ông bà già lại có cái hội riêng, có cách chơi trăng thu tháng tám riêng. Cũng chẳng kém thích thú hơn đám con cháu. Họ ngồi quây quần lại bên một chiếc bàn đơn sơ được kê ngay góc sân vườn. Một cụ, hai cụ …nhấp nhi ngụm trà thơm, đưa lên môi móm mém vài mẻ bánh nhân đậu, thịt, dừa tròn tròn thơm dịu. Thế là cũng thi vị, thanh tao lắm rồi. Còn những người mẹ trong gia đình thì hầu hết cũng đã chuẩn bị sẵn một mâm cỗ cây trái, bánh kẹo hay một nồi chè nóng hổi để chờ trăng lên, chờ đám trẻ rước đèn mệt lả về bò lê ra chén cỗ. Chẳng biết bên Tây nó thế nào? Chứ cứ như cái khung cảnh gia đình người Việt đón tết trung thu nhìn thấy mà ấm áp cả lòng, cả dạ. Mỗi người trưởng thành đều đã được sống, được đón và trải qua những giấc ngủ có vầng trăng tròn, có đầu lân tưng bừng tiếng trống, hay hình ảnh của những ông địa béo phì cầm chiếc quạt mo phe phẩy tung tăng theo tuổi ấu thơ. Lẽ thế chăng, mà có đi đến góc bể chân trời, có thêm bao nhiêu cái tuổi đi nữa nhưng cứ đến mỗi độ rằm thu họ lại thẩn thờ, thả hồn ngơ ngẩn chút ít về cái ngày xưa ấy xa xăm. Lại thấy nhớ, thấy thèm, thấy muốn ước ao lắm được làm một đứa trẻ con cầm cán đèn thắp nến mà í ới với bạn bè quanh xóm, quanh làng…
 Trăng chưa tròn vành, đã thấy lá thu rơi. Đời thêm một chồi non lìa cành, người thêm một năm tuổi xuân chuẩn bị lìa trời gần với đất. Gió thơm mát mùi bánh nhân nướng, mùi sáp nến cháy bập bùng loé sáng cùng với trăng sao… 
Vân Giang