Linh tinh

Đôi khi thấy mình quá bướng bỉnh - lì lợm - ngang tàng - nhưng lại hơi ngơ ngác. Cứ ngỡ mình mạnh mẽ lắm...

28/4/10

Hà Nội chiều không trở gió...



Cố tưởng tượng xem cái hình thù của mảnh đất ngàn năm Thăng Long ấy nó ra sao? Có thì thầm như con sông Hương im lìm qua ngày tháng nắng mưa chăng? Ấy thế mà tôi cứ phải chong mắt lên ngắm nhìn những con đường đang chạy hối hả, tấp nập đến nghẹn thở. Không gian dường như chỉ còn lại mấy hàng cây xanh hiếm hoi bên vỉa hè làm cho người ta nghĩ rằng: mình vẫn đang tồn tại...

Ngày thứ nhất...vừa đặt chân Hà Nội mưa đã bay lất phất từ đoạn đầu Phủ Lí, tôi cứ ngỡ sẽ đổi thay được chút ít những cơn gió khô hanh cáu bẳn nơi đất Huế kia. Vậy mà, chỉ trong chốc lát... cái tháng tám ở đây cũng tràn ngập nắng. Nắng trải dài trên đất đá, mặt đường và cả trên những khuôn mặt bịt kín bưng của người qua kẻ lại. Tôi chỉ nghe mấy tay nhạc sĩ đất Bắc ca bài ca muôn thuở " Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa" ... nhưng, lại có mấy câu sao cứ thương thương nhớ nhớ: " cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh"...
Tôi cũng muốn thử xem cảm giác nghe gió về của những cô gái Hà thành này có gì lạ? Nhưng, chỉ mới vào tháng 8... đến cả Thu còn chấp chới lẫn trốn nơi nào. Mảnh đất tôi sinh ra chỉ có hai mùa mưa nắng, thi thoảng muốn biết đến cái tiết Thu, cái rét đầu đông ra sao e chừng cũng phải bắt trí tưởng tượng của mình làm việc và tự rà soát lấy cảm giác. Chiều về, thấy hiu hiu gió thổi. Đôi guốc em rộn rã giữa những con phố nối dài vô tận. Người ta chẳng phải tìm kiếm gì lắm mới biết được " bát phở" trong đôi tay Nguyễn Tuân cũng biến thành một thứ bùa mê, hay tô bún chả ở Vũ Bằng " Thương nhớ mười hai" của bốn mùa mặn mà khó lắm mới kiềm chế được cảm giác thèm thuồng... Tôi cũng cứ ngỡ mình chỉ được nếm cái vị ấy qua từng câu chữ của mấy ông nhà văn lãng tử nọ. Ấy vậy cũng ì xèo lôi con nhỏ bạn Hà thành làm thêm tô nữa trước khi rời gót. Đến giờ vẫn còn nhớ, còn muốn, còn thèm mấy lát gỏi đu đủ giòn tan, chả non thơm phức đậm đà... Hẹn ngày trở lại...
Đặc trưng của một mảnh đất xô bồ nhộn nhịp đó là gì? Phải chăng chỉ có tiếng động cơ thi nhau ùa ào giữa phố? Huế tôi, mang đầy sắc màu văn hoá cổ kính. Nhưng rồi nó cũng chỉ nằm trong một phạm trù vùng miền nhất định. Có vài ba đứa bạn đã từng sống ở Hà Nội bảo rằng: " tao muốn quay trở lại đó quá" tôi gật gù: " vậy đất này thực có gì đó quyến rũ lắm chăng?" 

Ngày thứ hai, dong ruổi về Gia Lâm - Bát Tràng... đất nổi tiếng của những sản phẩm gốm. Định kiếm cho thằng bạn một bức tượng bằng gốm siêu hình như nó muốn. Hắn lại càu nhàu: " mi cứ ở đó mà thưởng thức Hà Nội đi"... ừ thì, ngó nghiêng, ngó ngửa. Rồi lại ngắm nghía lung tung những con đường, những đàn bò đang gặm cỏ dưới đồi cỏ tràn nắng gió kia thôi. Ai biết giữa phố thành hay bên ngoài tiếng xe cộ xì xầm tất tả ấy còn có mấy bờ đê xanh nằm dưới bóng chiều quê.

Tôi vẫn cứ thấy ấn tượng với mấy quán cóc được kê một vài chiếc bàn, ghế gỗ bé bé con con giữa các con phố. Phố là phố chứ không phải là đường như ở các nơi khác. Những quán hàng đơn sơ giản dị này nhìn vào tưởng chừng chẳng còn chút xíu khoảng trống để chúng ta có thể dừng chân. Nhưng, thử chạy ngược chạy xuôi giữa nắng xong, ta bước vào và gọi một cốc trà Bát Bửu xem?... thực ra cũng là một thứ trà thanh nhiệt giải khát bỏ vài viên đá lạnh vào. Vậy mà nó có sức cuốn hút chi lạ. Người xa quê lâu ngày được thong thả ngồi uống nước bên vỉa hè như thế mới biết được tình quê đậm đà biết bao nhiêu...

Tôi vẫn nhìn thấy cái nắng chói gay chói gắt đang làm mờ nhoè cả mắt ở Ngự Bình này.  Nhưng, đâu đó nơi đất Hà Thành vẫn còn những tà áo dài bay bay giữa phố đông người một ngày hiếm hoi cuối tuần nào đó...dịu dàng thôi một chút rong chơi...
 


25/4/10

Hoa rơi...



Chiếc váy màu hồng thắt nơ xanh chạy tung tăng khắp cái khoảng sân nọ. Em nhặt hoa, lá vo tròn xếp thành những hình thù mà em nghĩ ra. Chỉ mỗi em thôi. Ước chừng năm tuổi. Còn ngây thơ, đáng yêu lắm. Ở nhà, thỉnh thoảng bé lại cầm bút nghuệch ngoạc mấy bông hoa năm cánh. Lúc thì tròn, lúc thì méo. Có lúc như cái ô che đầu, có lúc nó lại rằn ri theo bàn tay bé xíu xiu của em. Vậy mà em vẫn cứ hăng say vẽ. Em vẽ thật nhiều, rồi bi bô khoe với bố. Nụ cười cũng tròn vo như bông hoa của em vậy. Mấy lúc bị bố la. Em khóc oà như cánh hoa rung rinh sắp rớt xuống sân nhà. Bố chiều em, thi thoảng lại đưa em đi loăng quăng. Bố tập cho em lang thang từ bé rồi. Theo chân bố, em đã đi thật nhiều nơi. Dù chỉ là những con đường mỏng mảnh khi chiều rơi. Hay, mấy độ rảnh rỗi ngày hè. Đến đâu, bé cũng ngắm hoa, để bố ngồi một mình, rồi chạy tung tăng trên sân cỏ...
Em ngước mắt, mỗi lần thấy hoa rơi xuống mặt đường phố:" sao hoa lại rơi hở bố? thế người ta
có dẫm chân lên hoa không hở bố?"...
Bố em cũng chỉ biết cười, lắc lắc cái đầu con gái yêu mà chẳng thể trả lời. Em không khóc oà như mọi khi vẫn hay nũng bố nữa mà em cũng biết cách im lặng như bố tự bao giờ...

Váy hồng lại lom khom nhặt hoa. Lần này em xếp nó thành năm cánh như những bông em đã vẽ. Em lại cười. Nhìn nụ cười đó, người đàn ông đã gần bốn mươi cũng thấy lòng mình xao xác, náo nức khát thèm tuổi thơ. Kí ức lại ùa ào trổ hoa. Mấy cánh đồng chiều còn nguyên gốc rạ của mùa gặt, hay nồi cơm un rơm thơm phức, đôi mắt hiền từ của mẹ. Những nỗi lo tất bật hàng ngày của quê hương xanh ngắt đáy tim. Lại thấy nhớ xôn xao đến thắt lòng...
Em chạy ùa đến ôm lấy ông, làm ông giật mình nhìn lại.Trời đã nghiêng nghiêng màu đêm, cầu mười hai nhịp đã sáng đèn nhấp nháy bên sông theo tay bé chỉ. Ông ngước mắt, khe khẽ đưa tay dắt em đi. Đã mấy mùa hoa bằng lăng tím ngắt, mấy mùa hoa điệp vàng sênh sao trên sông. Vẫn chỉ có mỗi ông tay nắm lấy năm cánh hoa bé bỏng của em đi dọc con đường này mỗi chiều nắng tắt.
Đôi mắt con bé buồn đến lạ lùng. Nó cũng thích vẽ hoa như mẹ. Nó cũng đỏng đảnh, mè nheo như mẹ. Nó cũng gắt gỏng mỗi lần không vừa ý. Nhưng, đêm về em lại giật mình thảng thốt ôm chặt lấy bố, tìm lấy hơi ấm của mẹ. Nó cũng yêu bố như mẹ vậy...
Hoa lại rơi rơi... Có mấy ai đủ khoảnh khắc đứng ngắm một cánh hoa rơi... như đời người quá ngắn ngủi. Em đi bên cạnh bố, mắt lại tròn xoe như cánh hoa ngày xưa ông đã từng yêu thương. Ông bế thốc em lên cao, rảo nhanh bước, nói khẽ vào tai bé :" tối nay con lại vẽ hoa nữa chứ?"...

22/4/10

Màu của tóc


Em với chiếc lược be bé màu trắng ngọc. Công việc hàng không thể thiếu được trong một ngày là đứng trước gương. Khuôn mặt của em đó. Và có biết bao nhiêu những con người như thế cũng làm vậy giống em?...

Sáng. Chiếc gương vuông hình chữ nhật xoe tròn đôi mắt, ngắm khuôn mặt mướt mát màu đêm. Em tỉnh giấc cho một ngày trôi lặng lẽ. Những sợi tóc bay bay. Không phải là những áng mây mượt mà, hay dòng suối mát trong? Em thảng thốt giật mình, quơ tròn lại thành một búi tựa tơ vò.

Chiều. Nắng cứ hoe hoe màu gắt gỏng. Căn phòng trọ bé xíu, vừa đủ đặt một chiếc giường, một chiếc tủ tivi. Còn một mảnh vuông vuông được em sắp xếp cho nó chễm chệ, treo lủng lẳng ngay trên song cửa sổ. Tiết kiệm được khối không gian. Đôi khi con người cũng biết cách tiết kiệm. Họ phải tiết kiệm chi li từng thứ một. Giữa muôn vàn nỗi trần ai. Tất cả mọi thứ đều quá ít ỏi đối với họ? Em ngơ ngác, lại chỉ thấy mỗi một đôi mắt, buồn mênh mang; một chiếc mũi cao thẳng tắp. Và, hầu như em thật là tiết kiệm quá,... đến cả nụ cười...

Mấy sợi tóc phất phơ. Gió lọt thỏm vào phòng thổi phù chúng bay vèo như những bong bóng xà phòng. Em vội vàng thử vuốt lại mái tóc. Hai mươi sáu tuổi. Những sợi tóc loăn quăn nhuốm thành khối hình hài của nắng và mưa. Thảng thốt, nhìn mây trời bay bay. Em ước: giá tóc cũng như màu của mây, cũng đầy tràn lung linh màu nắng?

Tối. Cái công việc thường nhật đó cũng chiếm một phần thời gian của em. Mà, em sợ, sợ đời này kiếp này, tháng ngày cứ trôi đi quá lặng lẽ. Em sợ cả mỗi lần quay trở về nhà với mẹ - cha, thấy đôi mắt mẹ trũng sâu thêm, vài nếp nhăn lộ rõ thành đường chim bay mỗi chiều đông trở rét.
Tóc em vẫn còn đen nhánh…

Có lúc, em đứng hoài trước gương để ngắm mái tóc nghịch ngợm của mình. Nhưng sao, đôi lần công việc ấy khiến em không thấy thú vị nữa. Bỗng dưng, em ứa nước mắt. Hồi ở nhà, thỉnh thoảng em vẫn mè nheo mẹ, cha nhiều lắm. Nhưng, ít khi em để ý những sợi mây trắng trôi qua gần năm mươi tuổi mà thời gian ngỡ như cơn gió vô tình quá đỗi.

Màu của tóc, hay màu của khói sương buổi sớm đang cuộn bay trong gian bếp nhà em? Nơi đó có mẹ hiền, ngày ngày sớm khuya lo tròn những bữa cơm đầm ấm.

Màu của tóc, hay màu của một mùa xuân nữa đang từng ngày gõ cửa…


Em muốn bật khóc, muốn ùa ào chạy ngay về bên mẹ. Muốn căn phòng trọ bé xíu này là ngôi nhà em đó. Mai, lại thêm một ngày nữa qua đi. Em nhớ, hình như mình đã không còn ngắm mái tóc đen nhánh ấy trong chiếc gương treo nơi cửa sổ.

Chiều. Không nắng. Mưa, chập choạng, lất phất trên tóc em khi đi qua cầu Trường Tiền. Em bấm máy,…vài tiếng tút tút ở đầu dây bên kia. Mẹ cất tiếng reo vui, hỏi: “Khi nào con về - mẹ muối dưa kiệu rồi đó”. Giữa căn phòng trọ nhỏ hẹp, em nức nở ngon lành như cái thuở còn thơ bé. Rồi một ngày kia, mái tóc em cũng đổi thành màu mây chiều đầy sương khói. Nhưng, em đã hiểu – khi mệt mỏi với bộn bề cơm áo, mới thấy mình nhớ mẹ biết bao nhiêu…

Trong câu nói đứt quãng, em chỉ kịp thốt lên một lời duy nhất: “Mẹ ơi, con sẽ về!…”

20/4/10

Con còng gió


 Sương không rơi sao đáy mắt long lanh nặng trĩu như hạt muối mặn nằm sâu dưới biển kia, đằm đặm xa khơi? gió không thổi mà mây vẫn cứ trôi... Đêm đen là một màu không thể nào nhìn thấy, chỉ lu mờ những chiếc lá rụng rời, bay là là trên bầu trời. Thỉnh thoảng bước qua kí ức nghe tiếng lá lạo xạo dưới chân. Mục nát, vỡ vụn...
Biển đêm cất tiếng trong khúc hát chim trời với dàn hợp ca nhịp nhàng của sóng, gió, cát chao chát mênh mang. Thêm một ánh trăng tơ treo lơ lửng giữa muôn ngàn mây lòng người cũng khao khát chơi vài bản nhạc thênh thênh...Từ trên mặt nước thấy bóng trăng lặng lẽ tan hoà vào với sóng. Cát cũng óng ánh giữa đêm. Ngồi đắp một chiếc kim tự tháp thật lớn. Gắn thêm mấy cái vòng tròn bằng vỏ ốc nhỏ li ti đủ màu bỗng kim tự tháp biến thành một toà thành đầy bí ẩn. Chẳng xây lâu đài cát mong manh dễ vỡ. Mây chắc hẳn lạ lùng lắm. Con sông vỗ về dồn sóng lòng ra biển, ru mãi giấc ngủ có con dế đồng kêu rúc rích hàng đêm. Thằng bạn nhỏ, gầy còm mắt đeo đôi kiếng chạy loăng quăng đuổi bắt mấy con còng gió bé xíu cùng một thằng bạn nữa. Mãi chúng mới chộp được, rồi lại thả tung vào con sóng bạc đầu ì ầm của ngày đã vợi xa tít tắp ...

Sáng sớm, biển đổi màu căng tràn thành những áng nước đỏ vàng long lanh ấm áp. Mặt trời cười. Sóng hát. Còng chạy lao xao trên cát. Nắng ngập thắp mấy ngọn lửa lên những cây dương, bạch đàn. Em bé xóm chài chạy lòng vòng theo cha ra biển. Mặt mày đen nhẻm, đôi mắt sáng cả một bầu trời quê nghèo nàn, lam lũ. Mấy con ốc biển đêm qua trôi dạt giờ chỉ là cái vỏ, cái xác nằm chênh vênh trên cát. Tôi nghe hơi thở của muối mặn thốc vào ngực, buốt đau.Chỉ là một chiếc vỏ ốc trơ trơ giữa trời, hay nỗi cô độc yếu đuối lênh đênh giữa cát trắng? Đời ốc hoá ra cuối cùng chỉ là chút chút cái vỏ cứng không đủ chở che cho tấm thân mềm sống nốt dưới biển sâu? Hay bởi những người đàn bà, bộ quần áo hoa bạc màu lấm cát, tay quơ quất cất tiếng rao nao lòng, thấm dạ những giọt mồ hôi của đất miền trung lắng đọng mấy hạt sương trời giữa nắng?

Thấp thoáng mấy cánh buồm căng lên trong gió khơi xa vạn nẻo. Màu nước biển là  màu mây, là màu của cả sóng cuộn xô ào ào từng đợt dập dềnh lên mạn thuyền. Thằng bé ban sáng còn lon ton theo cha kéo thuyền nhổ neo, giờ vững chân đạp sóng, nụ cười lung ling giữa muôn ngàn tia nắng. Cuộc sống đâu chỉ vồn vã nơi chốn thị thành đông đúc, tình yêu đâu chỉ là những đoá hoa ngời sáng mà còn là một con thuyền đánh cá nhỏ bé, một chiếc kim tự tháp tự đắp lên giữa cát. Và, cả một thằng bé con của ngày mai kia chạy loằng quằng, đeo mắt kiếng đuổi con còng còng gió mà nhớ về một ngày nó đã từng nở nụ cười ước mơ...

18/4/10

Chân trời có nắng

 Những đám lá xào xạc quanh mấy gốc cây. Rừng đẹp hơn mọi ngày. Nắng xiên qua từng kẽ lá. Cậu bé con, mặt mũi lem luốc bụi đất đang cười rất tươi. Cậu thủ thỉ với chú gấu trúc béo mũm mỉm, tròn vo, xinh xắn. Hồn nhiên, yêu thương. Cậu đùa giỡn, và tập cho chú gấu con biết cách trèo cây. Cậu đặt tên cho chú là Panda đi lạc.Thế là, cậu đã có bạn. Khu rừng vắng tiếng người, vắng cả những thanh âm náo nhiệt của cuộc sống. Chỉ có tiếng chim hót, tiếng những vạt lá rừng xào xạc dưới chân của hai cậu nhóc ấy.

 Panda cũng thích nghịch nắng. Thích lăn lộn giữa những đám lá khô xào xạc mùa hè. Cậu bé ít nói. Nhưng, với Panda, cậu thủ thỉ nhiều lắm. Mỗi khi chiều về, nắng cứ long lanh trên cả hai chấm bi của Panda và cậu bé. Nụ cười là điều mà người đàn ông trong rừng nuôi cậu khó có thể nhìn thấy. Vậy mà, từ khi có Panda, cậu cười nhiều hơn. Có lần cậu bắt Panda tập leo cây rồi thẩn thờ nhỏ nhẹ bên tai chú gấu trúc: "Panda ngoan, mày phải biết leo cây, tao sẽ thay mẹ mày, tập cho mày leo cây nhé"... Hay, đôi khi cậu tâm tình với Panda, những lời của cậu tản bay trong gió. Nhưng, cây rừng -  nắng - và ông mặt trời vẫn hiền hòa nhìn theo cậu bé, lắng nghe những lời thủ thỉ đó: "Panda ạ, tao chưa bao giờ nhìn thấy bố mẹ. Giá mà, tao có một chút kí ức về họ nhỉ?"...Panda dụi dụi chiếc đầu tròn vo vào người cậu bé...

Nắng cũng tròn vo ở cuối chân trời còn nhiều ước mơ...

Cuộc sống có muôn vàn câu chuyện thú vị để kể. Sự hồn nhiên giữa tình cảm của một chú bé mồ côi và một chú gấu trúc như ngôi sao đêm lấp lánh mơ về miền cổ tích. Không chỉ đơn thuần kể cho bạn nghe một câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối. Hãy thử tìm lấy thông điệp và những điều thực sự có ý nghĩa trong mấy dòng này, nếu bạn cảm thấy thú vị nhé.

Cậu bé mồ côi và chú gấu Panda ấy sẽ ra sao nữa nhỉ?!....

17/4/10

Một chút thôi...


Ngỡ ngàng lọt thỏm giữa đêm khuya. Tôi nghe tiếng mưa mùa hạ rơi tí tách. Mơ đôi cánh hạc bay trên bóng trăng mờ của mùa rằm cái thuở bé tí teo, còn mê chơi trò mèo đuổi chuột. Mơ những đám mây lấp lánh màu cầu vồng bảy sắc. Mơ chén chè thơm béo ngậy mỗi độ hè về trong căn bếp ấm cúng có bàn tay mẹ. Tôi vẫn cứ muốn những cơn mưa trong đêm kia làm ấm áp thêm cảm giác ấy - ngày xưa...

Đã mấy lần trắng trời thao thức. Và, tôi chỉ để lắng nghe: Tiếng của mấy chú nhái, ếch thông thênh gọi bầy; một vài âm thanh nho nhỏ của đêm...Hoặc giản đơn hơn chỉ bởi một khúc độc tấu của gió - mưa chao chát không thể gọi thành tên...

Tôi biết khi mọi thứ chưa kịp đủ đầy, là lúc còn phải nhọc nhằn nhiều hơn nữa. Tôi biết, khi mỗi lần nghẹn ngào trong từng hơi thở là lúc trái tim mình luôn được ủi an. Đôi lần mệt lòng, thèm xách ba lô lang thang khắp chốn, thèm được là mình vẫy vùng trong bốn bể, thèm thấy một nơi nào đó toàn người xa lạ. Khẽ mìm cười, bắt đầu lại với cuộc đời. Hăm mấy tuổi đi qua, sao vội vàng quá đỗi. Vẫn loay hoay giữa những chân trời, những góc đường với mưa - nắng thênh thao...

Một chút thôi, một thoáng thôi... những đêm mưa ngọt ngào. Tôi tìm thấy tôi...





14/4/10

Gánh hàng rong...

 Tất tả, ngược xuôi, hay loay hoay giữa phố chợ đông người. Những người đàn bà tần tảo trên đất Huế, giữa sự hào hoa của phố phường, vẫn có bao gánh hàng rong ngọt ngào đi hoài theo mùa, theo tháng. Gánh bắp, gánh bánh bèo, nậm, lọc hay gánh bún - cơm hến là những thức quà khá quen thuộc. Đi qua các nẻo đường, có thể nhìn thấy nét văn hóa dịu dàng đậm chất Huế này.

Mỗi góc nhỏ trên mảnh đất hữu tình non nước có biết bao điều để người đến, kẻ đi lưu luyến thương thương nhớ nhớ. Có đâu chỉ bởi Huế thơ mộng, ngọt ngào. Huế duyên dáng mặn mà, khoe hương sắc?! Hóa ra, khi ta đi trên những con đường, hay qua một góc chợ, bất chợt chạnh lòng trước đôi bàn tay chỉ còn da bọc xương của các mệ già bên vệ đường, mới thấy Huế thương nhiều hơn nữa, mấy gánh hàng rong: rau ráng gập ghềnh trên con đường cơm áo. Đám trẻ tuổi còn sung sức như tôi, hay ai ai đó giữa đời vẫn cảm thấy đôi lần nhọc lòng mệt mỏi...

Huế đã đi qua biết bao nhiêu mùa mưa nắng. Đời người nhọc nhằn thêm bấy nhiêu cái tuổi. Vậy mà, những gánh hàng rong vẫn tong tả đi hoài trên mỗi góc đường của Huế, hay nơi nào đó ta vô tình bắt gặp. Đôi lần người trẻ, không nhịn lòng được, đã cố tình mua lấy ít thức hàng cho các mệ. Đó phải chăng là điều ta làm được - dẫu chút ít thôi - ý nghĩa cuộc đời?!...

Tôi thong dong nhiều, loay hoay mãi với những thứ ba lằn nhằn giữa muôn vạn hình hài nào đó. Rồi, nghe nắng vàng chan hòa khắp các ngõ, khi tiếng rao của những gánh hàng rong: Ai bắp, ai bánh không chật lòng nơi phố nhỏ, bỗng mơ thấy miền quê cháy nắng ngày nào... 

Bên đời lặng lẽ... gánh hàng rong vẫn đều đều đung đưa giữa phố. Chiếc nón liệu có che hết nắng mưa cho tuổi già bóng xế? Phải chăng còn nhiều lắm, quanh ta những điều cần sẻ chia hơn cả? Dẫu chỉ là một cái ngoái nhìn, dẫu một chút thôi niềm thương cảm mong manh. Bà cụ vẫn cười tươi, cô gái vẫn ngước ánh mắt chào mời... Đời đến là lạ. Có những lúc ta ích kỉ riêng mình với cái tôi đòi hỏi. Nhưng, ngoảnh đầu lại... phía sau lưng, thấy bầu trời sao rộng rãi quá chừng bởi những gánh rong đi về sớm hôm...

Góc đường xưa...

Mỗi ngày tôi đi qua một con đường. Góc đường nào cũng long lanh sắc nắng. Sáng, trưa, chiều...
Độ này, con sông mới đúng như bao người đã từng thơ thẩn "dùng dằng không chảy", để khi bao cái nắng hạ qua đi, sông mới "chảy vào lòng" để "Huế rất sâu"... hay Huế đậm đà hơn, là Huế nhiều hơn nữa.

Bỗng chợt nhớ câu thơ của bạn mỗi buổi vu vơ khi trường tan lớp: "Từ độ ấy nắng không vàng nữa/ Em đi xa rụng vỡ tiếng câu cười". Bạn tôi ngày xưa đó, vẫn còn lãng tử lăn tăn lắm với tháng ngày đã thành kí ức? Hay bạn tôi đã trở thành kẻ có đôi mắt thẳm sâu hơn bên đời?...
Khát khao, đam mê... thật nhiều! Rồi, có khi ngồi lại bên một mâm cơm nhạt khi xa nhà, thấy thương chính mình biết bao nhiêu.

Huế, dạo này, nắng vẫn như xưa, bạn ạ! Nắng vàng lên từng con đường, mòn cả lốp xe đạp đời sinh viên khi những sắc màu tim tím của bằng lăng rực trời bên cổng trường. Đám hoa điệp cũng thay nhau khoe nắng trên cao. Buổi sáng bước chân loanh quanh, ngước mắt lên trời cao. Tôi thấy nắng vàng hanh hao. Buồi chiều, khi quay về tất bật, tôi thấy dịu dàng tím biếc. Những nhọc nhằn cũng theo cơn gió mát rượi tan bay tan biến.

Bỗng tôi cũng từng chợt nhớ, ngày xưa, tinh nghịch, chuồn học, bắt thằng bạn thân, trèo hái những chùm bằng lăng tím ngắt, thương thương lạ...
Và, tôi giờ vẫn đang loanh quanh mỗi ngày tan trường theo đàn em nhỏ. Thấy nao nao nhớ, vấn vương lắm một thời...

13/4/10

Nghe Huế thầm lặng…

Huế tồn tại như một khuôn viên, một mảnh sân bé nhỏ trong cái sườn của bản đồ đất Việt. Nhìn lướt qua, Huế cứ như cái bánh đường có thể cầm được trong tay vậy. Ngày xưa, còn rong ruổi ở miền Tây nguyên nắng cháy, cô giáo tôi bảo: “đất này chỉ đi năm phút là quay về chốn cũ”… Tưởng chẳng có miền nào, đất nào như thế nữa. Nhưng, đến với Huế, rồi gắn bó duyên nghiệp của mình với Huế, mảnh tình lắm mưa nhiều nắng chẳng thiếu lũ này mới biết: Huế cũng gọn ghẽ, bé bỏng quá chừng. Ai cũng bảo, Huế mơ mộng, ảo huyền. Rồi lại Huế thẩn thờ ngơ ngác… Nhiều, rất nhiều cảm giác khi người ta đã từng đặt chân đến Huế. Lạ một cái, người ta cứ than thở rằng: “Huế, chán phèo quanh đi quẩn lại cũng chỉ có nắng, mưa thất thường”, rồi những hình ảnh quen thuộc: con sông Hương nằm dài trông ngày tháng dần qua, chiếc cầu Trường Tiền bé xíu xiu đón đưa dòng người với sáu vài mười hai nhịp; hay những ngôi nhà vườn, những lăng tẩm đền đài cổ kính…Tất cả sóng sánh trong câu ca tiếng hò mái nhì mái đẩy đêm đêm….



Đó là đất, là tình, là quê hương của những con người xứ Huế tha phương nơi đất khách. Nhưng, nói cái kiểu đi năm phút quay về chốn cũ của họ chẳng qua cũng chỉ là sự thường tình nhọc nhằn trong cuộc sống mà thốt lên đó thôi? Đố ai đến Huế mà rời chân đi không bất chợt lắng trầm ngơ ngẩn nhớ thương da diết khi bỗng nghe đâu đó tiếng hát tựa “suối buồn thương chảy tràn lai láng”… “ai ra xứ Huế thì ra, ai về là về Bến Ngự, ai về là về Sông Hương…”


Tiếng Huế, với người miền Bắc nghe cho được rõ chữ rõ câu e chừng thật khó. Người miền Nam chắc dễ gần gũi hơn nên cũng đồng cảm được, hiểu được từng lời. Mà người thành phố tiếng nghe nhẹ bỗng dịu dàng quá đỗi. Nói mê mẩn có khi hơi quá, nhưng thật sự đôi khi nó cũng góp một phần nào đó lạ lẫm vào cái phong vị ngôn ngữ của bốn miền trên một đất nước.

Con người… Chắc có lẽ, không thể đếm được bằng số lượng, nhưng Nam, hay Bắc rồi Tây Nguyên nơi nào cũng rải rác hình bóng, âm sắc của kinh đô Phú Xuân xưa kia. Họ rời xa đất này vì một cái lẽ nào đó của cuộc sống hàng ngày… Nhưng, dường đôi lúc ta vẫn nhận ra hình như con người Huế có một chút chi đó cô đơn trong hồn, nếu không phải nói là người Huế thích cô đơn. Cô đơn trong một góc nhỏ của căn nhà xưa cũ…

Rồi, chút nắng, gió, vầng trăng khuyết treo trên đỉnh trời, nghe thấy Huế ầu ơ nỗi nhớ tha phương…

10/4/10

Đường vòng

Mỗi ngày tôi đều đi qua những con đường vòng. Đường băng qua chiếc cầu tạm, đường bắc ngang sông. Đường thì dài thăm thẳm, xa mịt mù. Đường thì đầy những đá sỏi bởi lâu ngày chưa được sữa chữa, chúng gồ ghề, xóc ngang - xóc ngửa. Nhưng, đường nào cũng thế. Đã đi là phải đến đích. Tôi cũng tìm cho mình những cái đích. Ấy vậy mà, đôi khi tôi cảm tưởng dường như mình vẫn cứ như đám trẻ nít mới lên ba. Có người bạn bảo rằng: "mi là kẻ lắm lúc chẳng biết được mình là ai?"... Nghĩ lại thấy cũng khá buồn cười. Con đường vòng thì chỉ bé như lòng bàn tay, không mênh mông rộng lớn như đất Sài thành. Tôi lạc, tôi chạy vòng vèo cho nó xa hơn cái đích đến. Chở nhỏ bạn đi tìm quán cà phê mình thích. Tôi đi theo một vòng tròn. Sao xa thế nhỉ? Lắm lúc phát bực mình. Ngơ ngác quá, mà càng ngơ ngác - tôi càng lì lợm. Vẫn cứ vậy mà đi...

Con gái Tây Nguyên, tôi tự nhận mình thế. Nhưng, dòng máu trong người tôi đang chảy cũng có một chút gì của Huế. À, hóa ra mình mang nhiều lắm những thứ ỉ ôi sầu muộn, rồi cả cái sự ưa nổi loạn với mọi thứ. Kiêu hãnh. Riêng biệt. Không giống ai. Và, tôi tự chọn cho mình một con đường vòng cũng chẳng giống ai hết trơn.

Bạn bè tôi, đứa - con đã tay bồng, tay bế. Đứa xum xuê sang trọng. Đứa vẫn còn bon chen nơi đô thành xa lắc. Đứa vẫn phải đầu tắt mặt tối với áo cơm hàng ngày. Có phải chúng cũng đang đi đuờng vòng giống tôi?

Nghe câu hát miền Nam trong điệu hò của ai đó "Má ơi, đừng gả con xa, chim kêu vượn hót biết nhà má đâu..." mà xót xa cả dạ, cả lòng. Thôi, đã lỡ đi đường vòng, vậy hãy can đảm bước tiếp . Lắm khi ứa nước mắt thương cha - thương mẹ, lắm khi tủi hờn nơi đất khách quê người, cũng đành gượng cười với mây trời - sông nước, cầu cho trái tim luôn được an lành.

Con đường vòng, dẫu nhiều lắm những nhọc nhằn nơi bàn chân tôi bước. Nhưng, thấy ấm lòng khi chính bản thân tìm ra chân trời mơ ước, khi có ai đó nắm tay tôi mỗi lúc gió lạnh ùa về...

9/4/10

Ngày không trôi…

Mưa, nắng thất thường. Con người cũng trở thành hư vô. Nhìn mưa, chẳng thấy nắng. Nhìn nắng thấy trời quá âm u, tịch mịch. Bỗng chốc bị tan biến trong không trung lạc lõng. Đau đau, nhức nhức nơi nào đó đã từ lâu…

Hai tay đan chặt quyện vào nhau, khép vòng thành hơi gió thảng thốt. Ngày không trôi, dài đeo đẳng lấy mỗi thân phận, mỗi sầu bi. Bữa cơm lạt thốc thếch, vẫn cười tươi, gằn từng miếng. Rồi, cũng nuốt biến nuốt bay. Phóng lên “ngôi nhà” này, thấy mấy bản nhạc yêu thích nằm chềnh ềnh. Hóa ra, trong lúc xa xôi ngàn dặm đó, không với tay thấu để hand in hand thì cũng thấy được an lòng, nhẹ nhõm một xíu xiu.

Nghe Autumn heart có cảm giác như mình được lang thang bay bổng trong một bầu trời tự do chỉ có tiếng gió thoảng lao xao vài chiếc lá, chỉ có chim reo suối hát với mây cao. Nỗi đau dịu nhẹ, nỗi buồn tan bay hay là gạn lọc thành một chút âm thanh mỏng manh như thân thể vớt vát lấy sự sống hàng ngày?…

Ngắm lại đôi mắt ai trong veo sâu thăm thẳm… bỗng muốn yêu thương nhiều hơn nữa. Nỗi buồn kia cũng lớn, cũng chắt chiu thật nhiều từ ấu thơ xanh ngời ước mơ. Tôi đi qua bao nhiêu lần rồi, tôi ôm gối trong ánh đèn hiu hắt bé mọn bao nhiêu lần rồi… vẫn cứ lặng im thản nhiên quá chừng quá đỗi. Hay đôi khi cơn đau tức tưởi uất nghẹn cũng biến thành một ánh mắt chiều chao lượn nghiêng ngả theo cánh bướm theo đàn?…

Ngày vẫn đang trôi, hòang hôn vẫn lắt lay quay mòng mòng theo từng chiều. Mấy nốt nhạc thênh thênh này rồi cũng lịm dần khi tôi chìm vào giấc ngủ mơ màng, hỏang hốt. Đến cả nhấc chân xuống giường thôi, tôi còn hãi hùng huống chi phóng ra ngòai leo lên máy gõ lách chách như thế này?

Nắng chẳng còn,… đi mất rồi. Mưa lại xông xênh thả từng chùm, từng sợi dài vô thẳm. Tôi mặc kệ. Thấm mưa dầm dề mãi cũng đâm quen lề quen nếp…

Càng buốt đau, tôi càng muốn được yêu thương nhiều hơn nữa. Người làm vườn, sẽ trồng cho tôi những chùm nho trĩu quả,… và một mái nhà ấm áp, tràn ngập nắng vàng thênh thao…

5/4/10

Nước mắt



Có những giọt nước mắt hằn in theo năm tháng của người mẹ hiền ngày ngày ngóng đợi đứa con xa nhà, lưu lạc đất khách - quê người. Có những giọt nước thì thầm cất giấu trong tâm khảm người cha khi lắng lo nhọc nhằn cơm áo cho con đến lớp, đến trường.
Tôi lẳng lặng ngắm từng đàn chim đang bay về nơi cuối chân trời nào đó. Bà ngoại bóc lịch đếm ngày, nhắc tên đứa cháu yêu khi mắt mờ, chân yếu. Nỗi nhớ thâm quầng trên đôi mắt của mẹ. Niềm vui sum họp của mấy đứa em tíu tít mỗi lần tôi trở về. Biết bao nhiêu thứ nhì nhằng vòng quanh thành những giọt nước mắt. Nhớ. Mong. Đợi chờ.
Huế, tháng tư...
Nắng, như chưa bao giờ nắng đến thế. Chói gắt. Nồng nồng màu đất đỏ Tây Nguyên, trong kí ức tôi. Gió. Bụi, mù trời. Mấy nhành lá xanh xanh trên thân cây cà phê nhuốm lấy cái gam nắng, gió ấy của quê tôi. Ở đâu đó, nơi mảnh đất này, Cát bỏng rát nơi bàn chân của nội. Gắng đợi chờ những mùa mưa, đợi chờ đám con cháu xa xôi trở về.
Nước mắt, không phải để chơi, để mè nheo những điều không có thật. Hãy khóc khi trái tim ai ai cảm thấy mình nhọc nhằn, mỏi mệt. Hãy cứ khóc, để làm dịu lấy chính tâm hồn mình trong cuộc sống xô bồ, nhộn nhịp, nhưng... đừng rơi nước mắt vì chông gai phía trước. Hoa thơm và quả ngọt chỉ được hái khi bạn có công chăm bón, vun trồng.
Tôi lắng nghe từng hơi thở yếu đuối trong tim mình. Mặn đắng ở trên môi, những giọt nước mắt. Cơ chừng như đã lâu lắm rồi vậy. Chúng cứ thi nhau ào ạt như cơn mưa chiều đổ vội. Tôi khóc cho một điều gì đó thẳm sâu trong kí ức tuổi thơ, khóc cho tháng ngày chấp chới ở đất khách quê người. Khóc cho tháng năm trôi qua quá vội vàng, khi vô tình thấy nếp nhăn của mẹ hằn in trên trán. Hạnh phúc chưa kịp nắm lấy đôi chút thôi, đã vội vàng lắng lo đôi sợi tóc bạc trên đầu.
Đôi khi người ta cũng thấy sợ cô đơn biết chừng nào. Không phải là những điều bé nhỏ trong linh hồn hay tìm kiếm, đòi hỏi. Chỉ vài lần tôi ngơ ngác ngắm bầu trời xứ lạ, thấy mình lạc lõng không có bến bờ...
Và, tôi ơi, nắng gió đất này cũng đang nồng nồng nuôi những đứa con xa nhà trong nỗi nhớ khôn nguôi...

3/4/10

Hãy yêu nhau đi...




Hãy yêu nhau đi, khi rừng thay lá. Hãy yêu nhau đi, dòng nước đã trôi xa ..... Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui
Và: Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời...

Có một thời, tôi nghiện những ca từ này. Chúng réo rắt bên tôi với chiếc máy hát nhỏ thời sinh viên. Cảm nhận và lắng nghe nó như một con chiên ngoan đạo. Tôi không cần gì hơn. Rong ruổi, bên những li cà phê long tong chảy, tôi nhận ra mình. Có thể mấy câu hát ấy chẳng qua cũng chỉ là một lời ca. Nhưng, sao đong đầy nỗi đời, đong đầy quá thân phận con người?...

Tình yêu là thứ gì? định nghĩa mãi cũng không tìm thấy cho mình lời giải đáp. Tôi vẫn tiếp tục rong ruổi hoài trong cái mớ hỗn độn ấy. Tôi vẫn thích thỉnh thoảng được lắng mình vào cõi hư vô kia. Nhưng, đôi khi tôi cảm thấy sợ nó. Tôi lăng những ca từ kia đi. Chạy nhảy. Và kiếm tìm những thứ khác thực hơn. Chẳng còn cái không gian ảo của thời sinh viên nữa. Tôi cảm thấy hài lòng với mỗi ngày nhọc nhằn qua đi. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi trở về căn phòng trọ được lăn đùng ra ngủ ngon giấc.
Tình yêu không còn là một câu hỏi lớn nữa. Phải rồi, giữa những bộn bề, bươn chải, người ta nhận ra có cái thứ tình khác lớn hơn. Đâu vô cớ khi mấy câu hát "Hãy yêu nhau đi" kia của Trịnh đối với tôi lúc này cũng trở nên thật ý nghĩa biết chừng nào. Xưa, có thể tôi mơ mộng hơn bằng một thứ tình yêu trẻ con. Giờ, Yêu không phải để yêu, mà là để thương, để "bù đắp cho trăm năm", và để cuối cùng mình lại nhận ra những điều lớn lao hơn nữa. Thương, mới có thể "trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau"...

Dẫu thế nào đi nữa, khi mọi thứ đằm lắng sâu trong linh hồn. Chợt nhận ra mình còn chẳng bao nhiêu thời gian để tìm kiếm những ảo mộng. Hãy yêu và hãy sống thật hơn với cuộc đời này. Bởi vì "Mặt đất đã cho ta những ngày vui với..."
Và cũng bởi "...Trái tim cho ta nơi về nương náu"... một ngôi nhà lớn hơn mọi ngôi nhà trong thế giới xa hoa kia.

2/4/10

CÁNH BUỒM NÂU…

Đứng từ những góc bờ bên này, ngó qua con sông, ngọn núi xa xa tít tắp thấy mấy cánh buồm nâu nâu trắng. Lại thênh thênh bước dọc bờ bên kia, nghe vài ba điệu xưa bay nhảy trong men say nồng nồng…

Huế mùa này nắng đổ tràn ra phố. Mấy ngọn bằng lăng tim tím màu hoa cà cũng lung lay ca múa với chút gió chiều. Bạn tôi cười, rung rinh đôi môi chúm chím chiếc lúm đồng tiền bên má: “Mày cứ thế, vài chàng không rượu cũng ngã lăn đùng xin chết”. Nó lại cười…. Con gái sành điệu, có máu nghệ sĩ hay thích lang thang mây trời. Tửu lượng có khi còn khá hơn cả đám con trai. Uống vào đếch biết say. Từng tưng lên, nhảy múa với đám bạn. Buồn, lủi thủi ngồi gõ ghita, hát nghêu ngao. Có phải đâu chỉ mỗi cánh mày râu biết xài cái thứ làm con gái thẩn thờ mơ mộng? Tôi, thỉnh thoảng cũng ghé vào. Nó đàn, tôi hát. Đời nghĩ cũng đáng yêu. Đêm trăng, kí túc vang ầm ào những âm thanh hỗn tạp của đám sinh viên. Ngực trẻ tuổi hai mươi căng tràn nhựa sống, muốn hát ca với những khát khao đam mê và hi vọng. Tình yêu cũng trở thành những khúc nhạc, lí tưởng hoá như Rômêô và Juliet. Có trăng, sao. Có mây trời. Có sông nước. Có những đêm mưa không vội vã bước… ờ, cứ vậy rồi cũng xong một thời non trẻ.
“Bạn hiền” quanh tôi lủ khủ. Nhậu, nhá máy một phát là biết ngay tín hiệu. Xe đạp lóc cóc, nhưng túi thì dắt di động. Mèn, đúng là model của sinh viên. Lớp tám thằng, quý như của báu. Thế giới này không có bọn hắn, thiếu mất mấy “ghẹ” để cụng dăm ba li ngày cuối tuần. Tên nào cũng có biệt danh. Con trai, chả hiểu chúng nó làm rằng bị biến thành “cục ghẻ”. Ghẻ một, ghẻ hai, ghẻ ba… trời, nghe phát ớn. Mỗi lẫn gọi, chúng cứ đây đẩy: “ghẻ gì, tao mua đép xài rồi, khỏi nhắc nhở, mai nhậu nghen!…”. hết xí quách… Tháng năm, mỗi góc đường của cố đô trải một màu sắc khác nhau.

Đường Lê Lợi, tím bằng lăng, rực rỡ phượng hồng xen lẫn cái thảm hoa vàng rơi rụng. Nắng như đổ lửa. Vậy mà, vẫn có vài tên nhong nhong phong trần. Đứa chạy sơ cua cho vài cuốc gia sư bèo bọt. Đứa rong ruổi nếm mùi Marketing khắp thành phố. Chả được là bao, vẫn cứ làm. Tự mình kiếm ra tiền cũng thú vị lắm. Tối về, lăn đùng trong góc giường của kí túc, hay một căn phòng trọ ọp ẹp. Đến hồi thi cử, cứ vậy mà vác cằng lên đầu chạy nước rút, cày đêm. Khuya, vẫn tòn ten cây đàn nghêu ngao cho bớt đi nỗi cô độc của những kẻ “không chốn nương thân”. Mấy đứa đương say mê với hương tình đời sinh viên thì rúc đâu cả, chả thấy mống nào luẩn quẩn, toàn các bé mới tinh năm nhất, năm hai. Còn các bà chị năm ba, năm tư cười xuề xoà: “già mất rồi tụi bay ơi!..”. Tôi, cũng thế. Nhưng, vẫn có thằng bạn thân rong ruổi cà phê, hay lang thang trầm mặc trong mấy bản nhạc không hợp thời với bọn trẻ tóc hoe, nâu, vàng đủ màu, áo quần hip hop. Thú vị một cái, mỗi lần ngấm men cà phê, đứa nào cũng cười toe đọc mấy câu thơ tếu táo: “Em có thấy buồn, tôi đang ngồi tư lự. Những linh hồn yếu đuối thường ẩn sâu trong tính bất cần đời”. Phải chăng điều ấy là thực? Mỗi thằng bạn một cá tính, một thế giới vô lượng. Ngông nghênh đó, tài hoa đó, nhưng vẫn rất thèm được khóc. Rượu vào, thì chỉ lè nhè thôi. Con gái khi đã say, bao nhiêu thứ chẳng khảo mà xưng. Điên quá. Ấy vậy, hiểu nhau để sáng hôm sau khi tỉnh lại thấy nụ cười của bạn độ lượng hơn thường ngày. Giống như con bạn tôi định nghĩa mỗi lần nhậu: “một cốc, một li đời chỉ là cơn mộng mị. Bảy cốc, bảy li đời thật đáng yêu biết bao”. Chả hiểu đáng yêu chỗ nào, chỉ thấy nhơ nhớ mỗi lần đứng ở bờ bên này ngó sang bờ bên kia. Đứng ở núi này trông sang núi nọ, nhìn ra cả biển sâu no gió mấy cánh buồm nâu một thời. ..


Giờ, trường mới tan ca. Đám sinh viên sư phạm ùa ra đường tất bật khăn mũ. Dân kí túc rộn ràng với bữa cơm trưa nấu vội. Tôi không có mặt trong đó nữa. Cái gì đã đi qua thì chỉ còn vang bóng. Nhưng, có mấy ai dẫu chẳng còn vô tư trong tiếng đàn gõ nhịp trăng khuya vẫn thấy xao xác bâng khuâng thương thương nhớ nhớ. Bạn tôi đâu? Chúng cũng đang tất bật: áo cơm, gia đình hay cũng ngày hai bữa đến trường với bụi phấn trắng ngày xưa?