Linh tinh

Đôi khi thấy mình quá bướng bỉnh - lì lợm - ngang tàng - nhưng lại hơi ngơ ngác. Cứ ngỡ mình mạnh mẽ lắm...

25/11/10

Cà phê, tiểu luận, virus computer

Cà phê, tiểu luận, virus computer

1. Cà phê lãng tử
Mới thứ sáu. Ta quen thói lãng tử giang hồ. Đợi chi đến cuối tuần mới kiếm được li cà phê buổi sáng? Bảnh mắt, ta đã phóc đến góc đường quen thuộc, ngó nghiêng thiên hạ, ngó nghiêng xe cộ lao qua lao lại giữa phố. Li cà phê long tong chảy. Hình như nhanh hơn mọi bận. 30′ cho một buổi sáng, đáng là bao. Trời vẫn thênh thênh nắng gió, đời vẫn lênh đênh một kiếp làm người…

Đen mặn mòi nhỉ? Cà phê ơi. Có ta trong đôi mắt nâu của phố núi mờ xa lặng lẽ. Có ta trong những tháng ngày hút bóng mù khơi. Có ta không trong đáy li tan chảy? Cà phê và sữa, quyện thành một màu nâu nâu. Giữa đắng cay, ta có ngọt bùi; giữa gió mưa, ta có những mùa nắng đẹp vàng tươi thơm ngát. Bỗng thấy, 30′ của mình có ý nghĩa đến vô chừng. Một li nâu, một đôi mắt nâu, một thành phố cũng màu nâu nâu…

2. Tiểu luận
Cực nhất, điên rồ nhất, vớ vẩn nhất. Nhoắng nhá, gõ chát chát nhá. Cũng xong, điều kiện ấy mà. Có cái gì là toàn vẹn đâu nhỉ? Chữ nghĩa này, câu cú này, cũng thế mà thôi. Đọc rồi quên. Đọc rồi vứt xó. Hậu hiện đại này, lẵng nhẵng lằng nhằng này. Bản thể của ta cũng chính là một kiểu của hậu hiện đại đấy thôi. Trong li cà phê của ta có cái tiểu luận đang chờ đợi. Trong cái tiểu luận của ta có li cà phê mời gọi ở bên ngoài nắng gió. Giữa một góc phố.
Tiểu luận ư? Nằm yên đấy. Chữ nghĩa của ta ở đâu? nằm yên đấy. Chổng vó lên đi. Ta phải nhâm nhi li đen nâu ấy đã. Ta phải nuốt cạn để khơi nguồn sáng tạo cho cái tiểu luận. Buồn cười. Ngố đanh. Chiều mong manh. Trưa cũng mong manh. Nắng cũng mong manh. Tiểu luận và điểm chác cũng mong manh. Có cái gì là hợp nhất vẹn toàn. Ờ, tiền; cơm áo. Cái thằng Soapy ấy chả phải có một tham vọng tưởng chừng hết sức buồn cười, mà cũng đau đáu biết bao đó chăng: Tham vọng tránh rét, tham vọng được ngày hai bữa cơm. Đời mới lạ đến thế là cùng. Ta cũng chỉ mơ có thế mà thôi. Rét được mặc ấm, đói được ăn no. Này, tên cớm, sao bản thánh ca đã đánh thức một tâm hồn lương thiện, ngươi lại biến ta thành kẻ tội đồ với cái mong ước buồn cười: Được đi tù…
Cái tiểu luận của ta đấy. Đi tù mới có cơm áo. Đi tù mới được no ấm. Ôi chao đắng nghét nhỉ? Như li cà phê ta cố tình để trống, không cho đường vào làm ngọt. Tiểu luận ơi…

20/11/10

Cái Computer

Cái Computer

Mày là cái computer. nhớ đấy. Mày có thể giúp ích được khá nhiều việc. Thậm chí cả thế giới loài người này, thiếu mày, sẽ cứng ngắc, đứng yên hết. Mày khá đấy. Tao đang gõ trên những phím nhựa. Chữ nghĩa hiện lên trên màn hình trắng toát. Thêm thắt vào mấy cái hình. Tao có một văn bản đẹp mắt, ưa nhìn. Mày không nói được. Nhưng, mày biết cách chia sẻ một cách dễ thương nhất. Đó là im lặng, và để cho tao gõ lộp bộp hàng ngày. Yêu nhất đấy.

Mày là computer. Nhớ đấy. Vẫn là computer. Chóc. Google, các com.net.org. hiện ra. Tao cần biết thằng người này, thằng người kia, ở đất này, đất nọ đang diễn ra những thứ gì. Chóc, chóc… facebook, gmail, yahoo… Tao cần biết bạn bè mình: Sài Gòn, Hà Nội, Buôn Ma Thuột… đang như thế nào? Yêu lắm nhé. Nhất mày đấy. Một ngày 24 tiếng đồng hồ, cho mày trọn vẹn những khoảnh khắc rảnh rỗi. Kể cả khi busy, tao vẫn tranh thủ cố nhốt cặp mắt vào cái màn hình của mày. Nhất thế còn gì…

Mày vẫn là computer. Thế giới này hỗn độn. Mày lặng im ngắm nhìn. Không một lời, không một tiếng hát ca.
Thế giới này chộn rộn, xon xen. Mày vỗ tay cổ vũ. Mày tạo điều kiện, cơ hội cho tất cả những thằng biết mày là ai? Tiền? Có ngay. Đầu cơ? có ngay. Lưu thông hàng hoá? có ngay. Tiện thế. Chỉ cần tách. Chóc. Order/ anh chị cần gì? Mày ok. Giỏi. Tào Tháo sống dậy cũng chắp tay vái mày. Gia Cát Lượng phải cúi nhìn, chẳng dám ngóc lên. Thật đấy.

Mày. Computer. Gọn gàng. Thông minh.
Tao. Con người. Xương thịt, lộn nhộn. Tao, tạo ra mày. Tao… Phải thông minh hơn mày chứ nhỉ? Nhưng, khi cần… Alo, google hở? Cho hỏi: Tao là ai trong cái computer của mày? Bảo đảm 100% Gu với gờ cũng bó tay. cơm.

Mày. Là computer. Mày hỏng hóc. Tao móc hết mọi ngóc ngách, ốc vít ra ngó nghiêng sửa. Ok. Mày chạy ngon lành.
Tao. Con người. Hỏng hóc. Nhờ đến các anh Doctor. Cũng có khả năng chạy lại được như mày. Nhưng. Thời gian được tính giữa mày và tao khác nhau đấy. Mày vẫn là computer….

Tao. Mệt mỏi. Quẫn bách. Mày cứu được không? Thế giới không thể nhường chỗ cho mày mãi được. Người vẫn là người ấy nhỉ?

Computer và người?
Im lặng cho cả hai…(Trả lời làm quái gì? Đến Google còn quay đầu cắp đít bỏ đi…)

18/11/10

Những người lái đò

Những người lái đò

1. Thầy hướng dẫn

Thầy…
Xin được gọi dẫu một từ thôi, lặng lẽ…
Tôi nhìn thấy bóng nắng đổ hay đêm khuya níu mái tóc mờ pha sương của từng tháng năm đong đầy bụi phấn trắng.
Tôi nhìn thấy những điều thầy không kể, tựa vầng trăng soi sáng trong bấy nhiêu kí ức xưa của tuổi thơ bé bỏng.
Tôi nhìn thấy, thật nhiều… để được kính trọng, gọi một tiếng “Thầy”…

Thầy chưa lên lớp dạy chúng tôi một buổi nào. Chỉ là người được khoa mời để hướng dẫn luận văn cho hai chị em tôi. Cảm giác băn khoăn, đắn đo, lo lắng của tôi và Hiền bị xua tan bay, khi gặp thầy. Gần gũi, nhẹ nhàng, và luôn nhiệt thành. Thầy đón nhận thêm hai cô học viên của khoá mới cũng như bao các học viên khác rất niềm nở.

Chẳng phải kể lể điều gì đó. Thật khó quên, hình ảnh này, khi thấy thầy loay hoay gửi tiền xe cho hai chị em, khiến tôi và Hiền thật sự bất ngờ đến luống cuống. Chẳng nói nên lời. Nhưng, tôi biết đâu đó trong cuộc đời này vẫn còn có những người thầy như thế…

Đà Nẵng, hoa tươi thắm khắp mấy góc đường. Chuyến đi này, thêm một kí ức khó quên về thầy…

2. Cô – giống mẹ hiền

Thích viết mấy dòng vui vui. Thích loăng quăng với những cảm xúc không thể nói thành lời. Đến nhà thầy, câu đầu tiên tôi và Hiền luôn muốn hỏi đó là: “Thầy ơi, cô đâu rồi ạ!”

(Thêm một lẵng hoa nữa cho cô nha)

Chẳng phải để xã giao, chào hỏi. Ừ, thì thế. Lạ không…
Cô đằm thắm, dịu dàng lắm. Cũng nhẹ nhàng, ân cần như mẹ. Con gái xa nhà, đôi lúc nhớ mẹ đến ùa ào bật khóc. Mà, cô cũng thế, như thầy…
Cái Hiền bảo: “Chị ơi, chẳng hiểu sao đến nhà thầy, lúc nào em cũng muốn mang tới một bó hoa cho cô…”
Tôi cười: “Ừ, chị thích thế!”.

17/11/10

Vầng trăng thầy để quên

Vầng trăng thầy để quên

Thầy kể về vầng trăng trong ca dao thuở nào.
Thầy kể về cơn mưa trên đồng ruộng quê ta.
Vầng răng vàng lục bát, ai mang xẻ làm đôi
Cơn mưa từng câu hò, rộn ràng cánh cò bay.
Cũng có một vầng trăng
Nhưng sao thầy không kể,
Những đêm ngồi soạn bài
Ánh trăng vàng khuya khoắt.
Và vào những cơn mưa
Thầy ơi sao không kể
Mùa mưa thầy lặn lội
Sớm chiều với đàn em.
Bao nhiêu là bụi phấn sao không kể thầy ơi!

Tôi lắng nghe từ trong tiềm thức, những tháng năm xưa còn đâu đó chưa vội xoá nhoà. Kí ức vẹn nguyên. Tuổi học trò xanh như một giấc mơ. Yêu thương với lời ca tiếng hát. Có một vầng trăng xôn xao trong trí nhớ…

Bỗng thấy nhớ, bỗng thấy man mác những ngày còn đến lớp, bỗng thấy giọt mực tím long lanh nơi đáy mắt. Bỗng thấy bụi phấn hoài mãi rơi, lấm tấm như màu mây trên tóc…Người thầy năm xưa…

Tôi lại thênh thang hồ tưởng mình đang ngồi nơi góc bàn ấy, chỉ để đuổi theo những dư âm từ đôi lời của Thầy khi “kể về vầng trăng trong ca dao thuở nào” và cả khi “kể về cơn mưa trên đồng ruộng…” như câu lục bát hát ru tuổi thơ tôi bé bỏng.

Những tiết tấu nhịp nhàng, trầm bổng lúc thăng theo lời ca, lúc dịu dàng tựa hồ như mây khói. Tôi nhìn thấy một “vầng trăng” nặng lòng vời vợi xa bởi “ai mang xẻ làm đôi”, bởi trong “cơn mưa, từng câu hò” luôn “rộn ràng cánh cò bay”…

Và rồi, khúc nhạc bất chợt lắng lại trong âm hưởng ấy, chốt thành một phút ấm ức đến nghẹn ngào: “Cũng có một vầng trăng….”

Nhưng…”sao thầy không kể”. Phải không, tháng năm vất vả, khó nhọc, dưới ngọn đèn dầu, trong đêm về khuya khoắt có thêm một vầng trăng dõi theo trang giáo án…

15/11/10

Lênh đênh cơn mưa

Lênh đênh cơn mưa

Trút nước đi. Cơn mưa này. Trời cũng lênh đênh như con sông mùa đông ngoài kia ướt át. Tối đen. Thơ mộng – khái niệm xa vời, tít tắp. Quả đất khóc than. Mưa rối rít khóc than…

Ám ảnh, những cơn mưa tháng năm qua, dài đăng đẳng. Ta tưởng đã có thể thoát khỏi bầu trời, của đất này để lang thang trên thảo nguyên bát ngát. Mưa vẫn rơi. Ập oà gào thét. Át cả bản rock yêu thích của ta. Thật đáng ghét.

Như chúa sơn lâm nhớ rừng. Ta quên bẵng một thời mình đã yêu biển đến quắt quay, yêu những con nước có đám thuyền trôi lơ đễnh một thời ấu thơ xa lắc trong kí ức. Ta mơ về cao nguyên. Ta khát khao được chạy nhảy trên những triền đồi cao thăm thẳm, nhìn ngút mắt mới thấy đất dưới chân mình…

Cao nguyên xưa của ta, cây cối trập trùng. Cao nguyên nay biết có còn không màu xanh yêu thương bạt ngàn? Hay đã đổi thành những cơn mưa quất xuống biển khơi, đồng trũng? Đất liền đằm sâu mấy con nước lên mùa lũ về. Đằm sâu cả những mất mát, đau thương…
Nhân – quả muôn đời vẫn thế. Có biết đâu, một chốc lát ta thoả mãn chí tang bồng, hưởng thụ để phải trả giá cho những mùa mưa lũ trắng xoá? Có biết đâu, dục vọng của con người là vô kể.