Linh tinh

Đôi khi thấy mình quá bướng bỉnh - lì lợm - ngang tàng - nhưng lại hơi ngơ ngác. Cứ ngỡ mình mạnh mẽ lắm...

2/4/10

CÁNH BUỒM NÂU…

Đứng từ những góc bờ bên này, ngó qua con sông, ngọn núi xa xa tít tắp thấy mấy cánh buồm nâu nâu trắng. Lại thênh thênh bước dọc bờ bên kia, nghe vài ba điệu xưa bay nhảy trong men say nồng nồng…

Huế mùa này nắng đổ tràn ra phố. Mấy ngọn bằng lăng tim tím màu hoa cà cũng lung lay ca múa với chút gió chiều. Bạn tôi cười, rung rinh đôi môi chúm chím chiếc lúm đồng tiền bên má: “Mày cứ thế, vài chàng không rượu cũng ngã lăn đùng xin chết”. Nó lại cười…. Con gái sành điệu, có máu nghệ sĩ hay thích lang thang mây trời. Tửu lượng có khi còn khá hơn cả đám con trai. Uống vào đếch biết say. Từng tưng lên, nhảy múa với đám bạn. Buồn, lủi thủi ngồi gõ ghita, hát nghêu ngao. Có phải đâu chỉ mỗi cánh mày râu biết xài cái thứ làm con gái thẩn thờ mơ mộng? Tôi, thỉnh thoảng cũng ghé vào. Nó đàn, tôi hát. Đời nghĩ cũng đáng yêu. Đêm trăng, kí túc vang ầm ào những âm thanh hỗn tạp của đám sinh viên. Ngực trẻ tuổi hai mươi căng tràn nhựa sống, muốn hát ca với những khát khao đam mê và hi vọng. Tình yêu cũng trở thành những khúc nhạc, lí tưởng hoá như Rômêô và Juliet. Có trăng, sao. Có mây trời. Có sông nước. Có những đêm mưa không vội vã bước… ờ, cứ vậy rồi cũng xong một thời non trẻ.
“Bạn hiền” quanh tôi lủ khủ. Nhậu, nhá máy một phát là biết ngay tín hiệu. Xe đạp lóc cóc, nhưng túi thì dắt di động. Mèn, đúng là model của sinh viên. Lớp tám thằng, quý như của báu. Thế giới này không có bọn hắn, thiếu mất mấy “ghẹ” để cụng dăm ba li ngày cuối tuần. Tên nào cũng có biệt danh. Con trai, chả hiểu chúng nó làm rằng bị biến thành “cục ghẻ”. Ghẻ một, ghẻ hai, ghẻ ba… trời, nghe phát ớn. Mỗi lẫn gọi, chúng cứ đây đẩy: “ghẻ gì, tao mua đép xài rồi, khỏi nhắc nhở, mai nhậu nghen!…”. hết xí quách… Tháng năm, mỗi góc đường của cố đô trải một màu sắc khác nhau.

Đường Lê Lợi, tím bằng lăng, rực rỡ phượng hồng xen lẫn cái thảm hoa vàng rơi rụng. Nắng như đổ lửa. Vậy mà, vẫn có vài tên nhong nhong phong trần. Đứa chạy sơ cua cho vài cuốc gia sư bèo bọt. Đứa rong ruổi nếm mùi Marketing khắp thành phố. Chả được là bao, vẫn cứ làm. Tự mình kiếm ra tiền cũng thú vị lắm. Tối về, lăn đùng trong góc giường của kí túc, hay một căn phòng trọ ọp ẹp. Đến hồi thi cử, cứ vậy mà vác cằng lên đầu chạy nước rút, cày đêm. Khuya, vẫn tòn ten cây đàn nghêu ngao cho bớt đi nỗi cô độc của những kẻ “không chốn nương thân”. Mấy đứa đương say mê với hương tình đời sinh viên thì rúc đâu cả, chả thấy mống nào luẩn quẩn, toàn các bé mới tinh năm nhất, năm hai. Còn các bà chị năm ba, năm tư cười xuề xoà: “già mất rồi tụi bay ơi!..”. Tôi, cũng thế. Nhưng, vẫn có thằng bạn thân rong ruổi cà phê, hay lang thang trầm mặc trong mấy bản nhạc không hợp thời với bọn trẻ tóc hoe, nâu, vàng đủ màu, áo quần hip hop. Thú vị một cái, mỗi lần ngấm men cà phê, đứa nào cũng cười toe đọc mấy câu thơ tếu táo: “Em có thấy buồn, tôi đang ngồi tư lự. Những linh hồn yếu đuối thường ẩn sâu trong tính bất cần đời”. Phải chăng điều ấy là thực? Mỗi thằng bạn một cá tính, một thế giới vô lượng. Ngông nghênh đó, tài hoa đó, nhưng vẫn rất thèm được khóc. Rượu vào, thì chỉ lè nhè thôi. Con gái khi đã say, bao nhiêu thứ chẳng khảo mà xưng. Điên quá. Ấy vậy, hiểu nhau để sáng hôm sau khi tỉnh lại thấy nụ cười của bạn độ lượng hơn thường ngày. Giống như con bạn tôi định nghĩa mỗi lần nhậu: “một cốc, một li đời chỉ là cơn mộng mị. Bảy cốc, bảy li đời thật đáng yêu biết bao”. Chả hiểu đáng yêu chỗ nào, chỉ thấy nhơ nhớ mỗi lần đứng ở bờ bên này ngó sang bờ bên kia. Đứng ở núi này trông sang núi nọ, nhìn ra cả biển sâu no gió mấy cánh buồm nâu một thời. ..


Giờ, trường mới tan ca. Đám sinh viên sư phạm ùa ra đường tất bật khăn mũ. Dân kí túc rộn ràng với bữa cơm trưa nấu vội. Tôi không có mặt trong đó nữa. Cái gì đã đi qua thì chỉ còn vang bóng. Nhưng, có mấy ai dẫu chẳng còn vô tư trong tiếng đàn gõ nhịp trăng khuya vẫn thấy xao xác bâng khuâng thương thương nhớ nhớ. Bạn tôi đâu? Chúng cũng đang tất bật: áo cơm, gia đình hay cũng ngày hai bữa đến trường với bụi phấn trắng ngày xưa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét