Nơi bếp lửa bập bùng đêm tối, chỉ soi tỏ cái khuôn hồng sáng lập loè trên ánh mắt, mà sao vẫn thấy nơi đó có nụ cười toả rạng ngời ngời. Đôi ngọc tuyền đen lấp láy reo vui theo phách gõ của tiếng ghita. Họ bắt đầu hát, hát say mê như chưa bao giờ được hát. Và họ hát thực thụ như những ngôi sao nơi ánh đèn sân khấu xa xôi kia. Bấy giờ tôi mới nhận ra rằng : Những con người đen nhem nhẻm, sì sùi với quần cộc, áo thủng kia mới nghệ sĩ, mới đáng yêu làm sao. Ai bảo người sống trong buôn, trong làng này mù mịt tối tăm. Họ cũng hát hay đàn giỏi, cũng nhảy múa tưng bừng như ai ai ngoài đất hà thành xa hoa, sành điệu… Họ ngồi đó, quây quần bên một bếp lửa, một ché rượu cần còn mới toanh, chỉ vừa đổ một can nước lã vào cái ché ủ men bằng thóc gạo, phía trên có phủ vài lớp lá rừng. Xong, họ chỉ việc vít những chiếc cần nhỏ xíu làm bằng tre nứa rồi mời nhau từng chén. Mà một khi chủ trong nhà hoặc khách nâng ly mời thì kẻ nhận không được phép chối từ. Uống, uống đến khi say ngất ngư thì thôi… Lại sắp đến rằm tháng bảy, người kinh còn có hội này lễ kia, thì bà con trong các buôn làng ở đất quê chỉ hai mùa mưa nắng này lại có cái tục xum họp giao lưu dẫu chỉ quẩn quanh với ché rượu, đĩa thịt rừng mới săn cũng thú, cũng khá đậm đà vui vẻ lắm. Nghe họ cất tiếng hát vừa trong veo, vừa ấm áp giọng trầm trầm mà sâu lắng như chính họ đang mơ về cái gió, cái nắng và cả tiếng lửa hồng đang nổ tí tách kia mới thấy "tình" cũng hồng như lửa, cũng lên men như rượu cần đó thôi. Những chàng thanh niên của buôn làng, đã có khá nhiều sự đổi thay theo thời cuộc nhưng vẫn không thể lãng quên cái bản sắc đã ăn vào máu…vẫn là cái điệp khúc được cất lên sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi với nương đồi: "Ơi Răcklây yêu rừng xanh ngọn núi mang tiếng đàn chapi" và " ai yêu tự do thì lên núi nghe đàn Chapi…". Chẳng phải vô tình hay hữu ý mà người nhạc sĩ nào đó đã đề tên cho khúc hát để làng núi reo ca sớm chiều bên ánh lửa; để người người ở khắp tứ phương vẫn luôn hướng về quê hương mà cùng cất tiếng với yêu thương.
Thêm một chút nồng nàn của thóc lúa đã được ủ men, khuôn mặt đã hồng vì bếp lửa lại ngà ngà vì ít rượu Tây nguyên này, dường như buôn làng không uống mà lại cùng say vậy… Cái thứ rượu " tây" Việt uống vào chẳng có độ nồng, chỉ như nước lọc hàng ngày nhưng chẳng say liền, chẳng đỏ mặt liền như người mới tập hớp vài ngụm bia đã lè nhè, mà nó cứ ngấm ngầm say. Người không biết, cứ thả sức thả cửa mà uống lấy uống để. Nhưng khi về đến nhà mới biết: sao trời đất lại xoay tròn tròn thế này. Ồ hoá ra ta đang say đấy ư? Rượu và tiếng lửa hát làm ta say đấy ư? Trong đầu lại hồi tưởng, nhơ nhớ cái tiếng hát đầy nỗi đam mê như rút hết sinh lực từ trái tim. Những ánh mắt lấp láy đen tuyền chất phác lại cháy bùng nơi trí óc. Họ có thể thành thục tiếng phổ thông, có thể hát những giai điệu "chapi" như thế… nhưng, khi lồng ngực họ đã say cái men của người con núi rừng, thì thay vì âm tiết của tiếng Kinh là những tiếng hát thổ ngữ trầm lắng cất lên trong ánh lửa bập bùng. Nó cũng ngọt ngào như dòng suối Eahleo, cũng trong veo như thác núi Dray H'Linh vậy mà. Tôi bỗng nghe thánh thót niềm tự hào thênh thênh trong huyết quản, nơi tôi đã sinh ra. Đất Tây Nguyên như đang thay áo mới, đời sống văn hoá tinh thần của buôn làng cứ xập xình trong điệu xoang êm dịu, cứ đâm chồi nẩy lộc hàng ngày, hàng giờ… Nơi đây cũng đã sản sinh, nuôi lớn một người nhạc sĩ đã cho ra đời một khúc hát ru " đôi chân trần" để " đi tìm nữ thần mặt trời" trong cao xanh rừng thẳm, mà cất vang tiếng hát ấm nồng giai điệu của Tây Nguyên.
Mời nhau chén rượu đêm rằm. Và ngắm nghía những khuôn mặt say men đang hồng lên trong tiếng lửa mồi bằng củi khô của những ngày còn nắng, thấy mùa mưa của núi lại thêm phần đượm thắm hơn, không chỉ bởi cái cảm giác mà còn là âm vang của tiếng ghita trong lửa như đang cùng nhảy múa, reo vui…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét